“Hỡi những người anh em! Hãy tham gia Hồng quân để cứu cách mạng Nga, để bắt đầu cùng vũ khí trong tay chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng người Hungary, công nhân Hungary, nông dân Hungary. Hãy cầm lấy vũ khí! Vì đất đai, vì bánh mì, vì hòa bình, vì tự do!”. Đó là lời kêu gọi của chính quyền Xô viết đầu năm 1918 đối với những người Hungary sinh sống tại Nga, nhằm ủng hộ chính quyền Xô viết trong cuộc nội chiến ở nước này. 

Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Xô viết, hàng vạn người Hungary theo chủ nghĩa quốc tế đã chiến đấu vì phe Bolshevik, khi họ đứng trong hàng ngũ của Hồng quân và những đội du kích đỏ. Vì lòng kiên cường và đáng tin cậy, họ nhận được đánh giá cao từ cả đồng nghiệp và đối thủ của mình.

“Hồng binh người Hungary”

Tại thời điểm nước Nga Xô viết và Đế chế Đức ký Hiệp ước hòa bình tại Brest ngày 3-3-1918, tổng cộng có gần nửa triệu người Hungary bị chế độ Sa hoàng Nga bắt làm tù binh. Phần lớn những người này không muốn và cũng không có ý định tham gia chiến đấu nữa, họ chỉ mong có cơ hội được trở về quê hương.

Tuy nhiên, vẫn còn có những người (gần 60 nghìn) sẵn sàng tiếp tục ra trận, lúc này không phải Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, mà là cuộc nội chiến Nga. Trước hết, bởi đó là vì lý do hệ tư tưởng. 

 Những hồng binh người Hungary. Ảnh: Erky-Nagy Tibor/FORTEPAN

Hơn 70% tù binh người Hungary là nông dân, công nhân và cố nông, những người sẵn lòng và rất quan tâm đến việc tuyên truyền của chính quyền mới ở Nga. Phe Bolshevik Nga đã tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ được học tập trong các trại tù binh cách mạng, cũng như tổ chức xuất bản những tờ báo cộng sản “Cách mạng xã hội” và “Tiến lên” bằng tiếng Hungary. Đích thân lãnh tụ cách mạng vô sản Vladimir Ilyich Lenin đã gặp những nhà hoạt động hàng đầu của phong trào cộng sản Hungary, đó là Bela Kun, Tibor Samueli và Deja Farago; hỗ trợ mọi mặt cho họ trong việc cổ động những người đồng hương ủng hộ cách mạng.

Nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến người Hungary quyết định gia nhập phe Bolshevik Nga, đó là do điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong các trại tù binh. Mặc dù đã ký kết Hiệp ước hòa bình, nhưng việc trở về nhà của họ là một quá trình lâu dài và phức tạp. Thay vì chết trong trại do bệnh tật hoặc đói khát, nhiều người chọn có bữa ăn ổn định và được cấp sinh hoạt phí trong lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa Xô viết non trẻ.

Chỉ huy Trung đoàn kỵ binh quốc tế Rudolf Garashin kể lại: “Những tù binh Hungary rất sẵn lòng tham gia Hồng quân. Họ đã chịu đựng nhiều khổ ải dưới chế độ Sa hoàng và quân can thiệp, những kẻ đã bóc lột sức lao động của họ. Trong những năm chiến tranh, chúng tôi đã bắt gặp đủ mọi thứ, nhưng khi đến trại tù binh này (ở Darnitsa, ngoại ô Kiev), thì chúng tôi cảm nhận giá rét đến thấu da. Tình trạng của các tù binh là rất thê thảm. Chế độ ăn uống thì tồi tệ, nhiên liệu thiếu thốn, quần áo tù nhân mặc trên người thì thành những miếng giẻ rách khủng khiếp. Nhiều người bị bệnh và nằm trong những chiếc lều, không hề nhận được sự hỗ trợ y tế nào. Trong khi lúc đó bệnh sốt phát ban thì đang hoành hành”. 

Phong trào Bạch vệ không chấp nhận Hiệp ước hòa bình Brest, coi đó là sự nhục nhã và tội lỗi, nên việc trả tự do cho các tù binh trong các trại đóng trên địa bàn của họ là điều không được đề cập đến. Kết quả, người Hungary đã chạy trốn hàng loạt đến các khu rừng Siberia và gia nhập những đội du kích Xô viết.

Do bị đẩy sang phía quân can thiệp nước ngoài của cái gọi là Quân đoàn Tiệp Khắc (quân lê dương), nên người Hungary đã quyết định gia nhập phe Bolshevik Nga. Bởi lẽ, Quân đoàn Tiệp Khắc được thành lập dưới thời Sa hoàng với thành phần là những tù binh người Czech và Slovakia nhằm chiến đấu chống lại Đức. Mùa xuân - hạ năm 1918, những người lính lê dương trở thành một trong những bên tham dự chính của cuộc nội chiến Nga, sau khi giành kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn tại Siberia và xóa bỏ chính quyền Xô viết tại đó.

 Sự hằn học từ lâu giữa người Hungary (là một trong những dân tộc có vị thế tại Đế quốc Áo - Hung) với người Czech và Slovakia (vốn chỉ được coi là những dân tộc thiểu số) đã được họ mang theo đến cả nước Nga rộng lớn. Người Hungary xem đồng bào Slav (Slavơ) của mình như những kẻ phản bội chạy sang phe địch. 

Đội quân lê dương Tiệp Khắc và những “hồng binh người Hungary” đều không muốn bắt nhau làm tù binh. Vì vậy, ngày 18-6-1918, sau trận chiến ở ngoại ô thành phố Mariinsk tại khu vực Siberia, người Czech không qua xét xử và điều tra đã xử bắn 50 tù binh Hungary của đội quân Mate Zalka.

Là đội quân tinh nhuệ của Hồng quân

Mặc dù trong suốt cuộc nội chiến Nga người Hungary chỉ chiếm tỷ lệ vài phần trăm trong Hồng quân, nhưng họ được coi là một trong những binh sĩ có khả năng chiến đấu tốt nhất. Có kinh nghiệm chiến đấu, người Hungary đoàn kết và ngoan cường, không khuất phục trước những lời tuyên truyền của kẻ địch. Họ khác biệt bởi độ tin cậy và tính thực thi nhiệm vụ. Phe Bolshevik đã sử dụng họ hiệu quả cả trong chiến đấu, cả trong các chiến dịch trừng phạt.

 Binh lính người Hungary thuộc Trung đoàn bộ binh quốc tế số 3 Astrakhan. Ảnh tư liệu

“Những hồng binh Hungary chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”, một người lính Hồng quân tên là Gennady Militsin nhớ lại. Vị tướng người Tiệp Khắc Radola Gaida từng nhận xét rằng, những đội cận vệ đỏ của Nga rất yếu và khi bị áp lực lớn thường bỏ chạy, trong khi những hồng binh người Hungary thì luôn tỏ ra kiên cường.

Người Hungary đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền Xô viết tại khu vực Siberia, Ural và vùng Volga. Tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 1 Mặt trận phía Đông thuộc Hồng quân Nikolai Koritsky nhớ lại việc một đại đội Hungary từng tham gia vào chiến dịch đánh chiếm Simbirsk ngày 10-9-1918: “Người Hungary đã xung phong tiến đến vị trí xuất phát tấn công và cùng lao vào các chiến hào của quân địch. Sau khi ném lựu đạn và lưỡi lê vào các chiến hào, vừa luồn qua hàng rào thép gai, họ xông vào chiến hào và trong trận giáp lá cà đã tiêu diệt gần hết toàn bộ tiểu đoàn quân Bạch vệ”. 

Một trong số ít đơn vị kỵ binh của Hồng quân có khả năng đương đầu với kỵ binh người Cozak của quân Bạch vệ là những đội quân cựu tù binh người Hungary. Họ từ chối chiến đấu trong những bộ áo dài và áo khoác của Hồng quân, mà chỉ thích mặc quần ống bó màu đỏ, áo choàng lông màu xanh và mũ lưỡi trai cát két màu đỏ truyền thống của mình.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)