Tại buổi lễ ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mông-tê-nê-grô Xơ-gian Đa-ma-nô-vích (Srdjan Darmanovic) đã đệ trình các văn bản gia nhập của nước này, chính thức đưa quốc gia nhỏ bé vùng Ban-căng trở thành thành viên thứ 29 của NATO. "Đây là một sự kiện lịch sử cho một đất nước đã nếm trải nhiều hy sinh, mất mát trong thế kỷ 19 và 20 để bảo vệ quyền được có một cuộc sống tự do, quyền tự quyết định tương lai, được thế giới công nhận", Thủ tướng Mông-tê-nê-grô Đu-xcô Mác-cô-vích (Dusko Markovic) nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng Mông-tê-nê-grô Xơ-gian Đa-ma-nô-vích (bên trái) và Tổng thư ký Gien Xtôn-ten-bớc trong lễ đệ trình các văn bản gia nhập NATO tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: NATO 
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) khẳng định, việc Mông-tê-nê-grô gia nhập NATO là tốt cho hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rếch Ti-lơ-xơn (Rex Tillerson) cho rằng, với sự gia nhập của Mông-tê-nê-grô, NATO sẽ tạo ra một đường biên giới tiếp giáp dọc theo bờ biển A-đri-a-tích, nhất là khi Hy Lạp, An-ba-ni và Crô-a-ti-a đều đã là các nước thành viên của khối. 

 Là một quốc gia chỉ có hơn 620.000 dân, Mông-tê-nê-grô nằm trên bán đảo Ban-căng, có chung đường biên giới với Xéc-bi-a, Bô-xni-a - Héc-xê-gô-vi-na, An-ba-ni, Crô-a-ti-a và biển A-đri-a-tích. Quân đội Mông-tê-nê-grô hiện chỉ có 2.000 quân. Mặc dù khả năng quân sự của Mông-tê-nê-grô không mạnh, nhưng vị trí địa chiến lược của Mông-tê-nê-grô khiến quốc gia này là một trong những mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và NATO suốt thời gian qua.  Đối với Nga, giữ được Mông-tê-nê-grô bên cạnh, Mát-xcơ-va sẽ tiếp cận được các cảng biển sâu cho các tàu chiến đang triển khai ở Địa Trung Hải và tiếp tục duy trì các lợi ích kinh tế và chính trị trong khu vực. Đối với NATO, lôi kéo được Mông-tê-nê-grô, khối này có thể ngăn cách hải quân Nga hùng mạnh cách xa khỏi khu vực biển chiến lược.

Sau khi Mông-tê-nê-grô tách khỏi Xéc-bi-a năm 2006, mối quan hệ giữa Nga và Mông-tê-nê-grô rất chặt chẽ và luôn được củng cố, không chỉ bằng mối quan hệ thương mại, ngoại giao mà còn các mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau đó Mông-tê-nê-grô dần dần ngả về phía Tây. Điều cản trở quốc gia này trở thành thành viên sớm của NATO bởi vì năm 1999, Mông-tê-nê-grô bị NATO ném bom trong chiến dịch không kích để ngăn các đợt tấn công nhằm vào lực lượng ly khai người An-ba-ni tại Cô-xô-vô.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tháng 12-2009, Mông-tê-nê-grô đã nhận được kế hoạch hành động để trở thành thành viên của NATO. Các cuộc đàm phán về vấn đề này sau đó đã bắt đầu được thực hiện từ năm 2010. Động thái trên khiến cho quan hệ giữa Mông-tê-nê-grô với Nga trở nên đặc biệt căng thẳng. Mát-xcơ-va cho rằng, việc NATO mở rộng liên minh tới các nước Đông Âu từng thuộc Liên Xô trước đây là hành động đe dọa an ninh của Nga. Bộ Ngoại giao Nga từng bày tỏ lấy làm tiếc về thái độ thân phương Tây hiện nay ở Mông-tê-nê-grô. Nga cho rằng, Quốc hội Mông-tê-nê-grô đã không đếm xỉa đến nguyện vọng của người dân nước này, thể hiện qua tỷ lệ nghị sĩ ủng hộ gia nhập NATO (46/81).

Nga cũng nêu rõ, căn cứ các tiềm năng của Mông-tê-nê-grô có thể thấy rõ NATO khó có thêm "giá trị gia tăng" thực sự đáng kể nào từ việc kết nạp Mông-tê-nê-grô. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va cũng không thể xem nhẹ các hậu quả chiến lược của bước đi này, và bởi vậy Nga cần tính đến các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Nga cũng bảo lưu lập trường rằng việc mở rộng NATO đã dẫn đến tình trạng căng thẳng chưa từng có ở châu Âu trong suốt 30 năm qua.

Bất chấp những quan ngại của Mát-xcơ-va, Mông-tê-nê-grô vẫn quyết tâm ngả về NATO. Trong một tuyên bố ngày 5-6, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Với con đường thù địch mà nhà chức trách Mông-tê-nê-grô đã lựa chọn, phía Nga có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng”. Có thể thấy, mối quan hệ hòa hữu Nga - Mông-tê-nê-grô đã thực sự thay đổi.

BÌNH NGUYÊN