Theo trang mạng Defense News, sắc lệnh cho rằng năng lực đóng tàu cũng như lực lượng lao động trong ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã bị suy yếu do thiếu sự quan tâm của các đời chính phủ tiền nhiệm trong mấy thập niên qua. Hệ lụy là ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ, vốn một thời lẫy lừng, nay đã rơi vào thoái trào, đồng thời tạo điều kiện cho các đối thủ "gia tăng sức mạnh và làm xói mòn an ninh quốc gia" của Mỹ. "Cả các đồng minh lẫn các đối thủ chiến lược của chúng ta đều có thể đóng tàu với chi phí bỏ ra chỉ bằng một phần so với Mỹ", sắc lệnh nêu rõ.
Vì vậy, sắc lệnh nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực đóng tàu và lực lượng lao động trong ngành này. Sắc lệnh giao cho Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz, trong vòng 210 ngày, phối hợp cùng Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng An ninh Nội địa, Đại diện Thương mại và người đứng đầu các cơ quan hành pháp liên quan, xây dựng và trình lên Tổng thống Donald Trump kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa chính sách tiếp sức cho ngành công nghiệp đóng tàu nội địa.
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp xác định cần phải tiếp sức cho ngành công nghiệp đóng tàu nội địa. Ảnh: The White House |
Defense News cho biết, sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Donald Trump ký ban hành không lâu sau khi giới chức hải quân, tại một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng quan ngại trước sự trì trệ của ngành công nghiệp đóng tàu nội địa. "Nói một cách đơn giản là chúng ta cần có nhiều tàu được bàn giao đúng tiến độ và không bị đội vốn, nhưng hiện tại chúng ta đang gặp khó khăn ở cả hai vấn đề này. Chi phí đang tăng nhanh hơn cả mức lạm phát và tiến độ của nhiều chương trình đang bị chậm từ 1 đến 3 năm", ông Brett Seidle, Quyền Trợ lý Bộ trưởng phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm của hải quân Mỹ khẳng định.
Hồi năm ngoái, hải quân Mỹ đề ra mục tiêu phát triển hạm đội tàu chiến lên 381 chiếc trong vòng 30 năm tới. Kế hoạch này, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), đòi hỏi số tiền đầu tư ít nhất là 40 tỷ USD/năm trong suốt giai đoạn triển khai. Hải quân Mỹ hiện sở hữu chưa đến 300 tàu chiến và con số này dự kiện sẽ giảm. Các dự báo cho thấy từ nay đến năm 2027, số lượng tàu chiến mà hải quân Mỹ "cho về vườn" sẽ nhiều hơn số tàu mới được đưa vào biên chế.
Mới đây, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO), một cơ quan giám sát của Đồi Capitol, trong một báo cáo đã kêu gọi cần phải có "những thay đổi quan trọng" đối với ngành công nghiệp đóng tàu nội địa nếu Mỹ muốn hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạm đội tàu chiến lên 381 chiếc trong vòng 30 năm tới. GAO nhấn mạnh trong suốt 20 năm qua, hải quân Mỹ đã không mở rộng quy mô hạm đội tàu chiến cho dù ngân sách dành cho đóng tàu đã tăng gấp đôi. Cùng với đó, chương trình tàu hộ vệ của lực lượng này đã bị chậm tiến độ bàn giao 3 năm. "Các tàu chiến của hải quân Mỹ thường bị đội vốn hàng tỷ USD và bị chậm tiến độ bàn giao nhiều năm nhưng thường không đạt được kỳ vọng về chất lượng và hiệu suất", GAO khẳng định. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Tim Sheehy thuộc Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ cảnh báo hệ lụy tiềm tàng nếu xảy ra kịch bản xung đột cường quốc. Thượng nghị sĩ Tim Sheehy nhấn mạnh mặc dù năng lực thay thế "với tộc độ cao hơn" so với đối thủ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp tàu chiến của Mỹ bị phá hủy, song hiện nay, Mỹ lại đang thiếu năng lực như vậy.
Defense News cho rằng ngành công nghiệp đóng tàu nội địa trì trệ còn ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác trong khuôn khổ Hiệp ước đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Chuẩn đô đốc Jonathan Rucker phụ trách chương trình tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) của hải quân Mỹ cho biết, để đáp ứng yêu cầu xây dựng hạm đội tàu chiến của Mỹ, đồng thời cung cấp các SSN lớp Virginia cho Australia theo thỏa thuận trong khuôn khổ AUKUS, ngành công nghiệp đóng tàu nội địa cần đạt tốc độ sản xuất trung bình là 2,33 SSN/năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí Asia Pacific Defence Reporter, con số thực tế hiện nay mới chỉ là 1,3 SSN/năm.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan