Không thu, không phát
Trên nhiều bức ảnh thời kỳ chiến tranh có chụp hình mọi người đang tập trung lại để nghe tin tức do Cục thông tin Liên Xô phát qua loa truyền thanh công cộng, hoặc qua đài phát thanh bán dẫn ở những trung tâm thông tin liên lạc đặc biệt. Trong thời gian chiến tranh, người dân bị cấm nghe đài tại nhà, nơi mà họ có thể tự ý điều chỉnh tần số phát thanh.
Một trong những hoạt động đầu tiên sau khi bắt đầu Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là xóa bỏ phong trào chơi đài phát thanh. Ngày 25-6-1941, Hội đồng Dân ủy Liên Xô ban hành Nghị định về việc người dân giao nộp các thiết bị thu và phát sóng vô tuyến. Nghị định này giải thích rằng, “những chiếc máy thu thanh và máy phát thanh có thể được các thế lực thù địch sử dụng nhằm mục đích làm phương hại đến chính quyền Liên Xô”. Tất cả các thuê bao có đăng ký sẽ được cung cấp những thông tin phù hợp. Đặc biệt, Nghị định cảnh báo “việc không giao nộp sẽ bị xét xử theo luật thời chiến”, tức là nếu không chấp hành thì chủ sở hữu đài có thể bị đưa đi trại cải tạo.
 |
Người dân Liên Xô đang tập trung lại nghe đài phát thanh. Nguồn: russian7.ru |
Đến thời điểm đó, chỉ có hơn 1 triệu máy thu thanh được người dân Liên Xô sử dụng. Những người sở hữu được ra lệnh trong thời hạn 5 ngày phải mang máy thu thanh đi “cất giữ tạm thời” tại các cơ quan địa phương của Bộ Dân ủy Thông tin liên lạc Liên Xô. Một số chiếc bị tịch thu có thể được hoán cải để phục vụ nhu cầu của quân đội và phong trào du kích.
Đồng thời, chính quyền giải tán nhiều tổ nhóm và lớp học thiết kế-chế tạo đài phát thanh thuộc Hiệp hội Hỗ trợ Quốc phòng, Hàng không và Xây dựng hóa học Liên Xô (Osoaviakhim), cũng như tại các trường trung học và cao đẳng. Tháng 7-1941, nước này cũng cho ngừng phát hành Tạp chí “Radiofront”. “Do tình hình chiến tranh” nên tạp chí này chỉ ra 11 số thay vì 24 số như kế hoạch ban đầu.
Lệnh cấm này có lẽ là hoàn toàn thích hợp trong bối cảnh lúc bấy giờ. Bộ tư lệnh Liên Xô ngày 23-6-1941 cho biết, tại Quân khu Baltic, “những tên gián điệp phía địch” ngay trong những ngày đầu chiến tranh đã bắt đầu lợi dụng liên lạc vô tuyến điện để tung tin đồn giả mạo trong dân chúng.
Tuy nhiên, việc lo sợ tuyên truyền thù địch cũng đã bị cường điệu hóa. Đức Quốc xã hoàn toàn không thể biết được mức độ phát triển trên thực tế của phong trào nghe đài ở Liên Xô. Người Đức cho rằng, ngoài đài phát thanh bán dẫn ra thì người dân Liên Xô trên thực thế chẳng có gì. Vì vậy, đến cuối cuộc chiến, Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền phát xít Đức vẫn không có đài phát thanh nào tuyên truyền bằng tiếng Nga.
Thực tế, những người chơi đài phát thanh được gọi ra mặt trận đều có chuyên môn về kỹ thuật. Nhờ sử dụng thành thạo đài thu phát sóng ngắn, họ trở thành những chiến sĩ điện đài xuất sắc. Một trong những chỉ huy Binh chủng thông tin liên lạc kể lại rằng, những ai chơi đài có kinh nghiệm đều được tin tưởng giao những công việc mang trọng trách nhất.
Khôi phục phong trào nghe đài
Đến thời điểm chiến tranh sắp kết thúc, rủi ro của việc kẻ địch lợi dụng đài phát thanh là không còn. Vì vậy, từ ngày 14-3-1945, chính quyền Liên Xô bắt đầu trao trả lại máy thu thanh cho người dân.
Ngày 7-5-1945, trước khi Hồng quân giành chiến thắng hai ngày, nhân dịp 50 năm phát minh của Aleksandr Popov, Liên Xô lần đầu tiên tổ chức lễ kỷ niệm Ngày phát thanh. Hoạt động nhằm mục đích phổ biến những thành tựu khoa học-kỹ thuật trong nước trong lĩnh vực phát thanh và khuyến khích nghe đài trong dân chúng. Cũng tháng 5 năm đó, đã khai trương các lớp phát thanh đầu tiên sau chiến tranh, như lớp phát thanh tại Trường thông tin liên lạc Sverdlovsk. Không lâu sau, tại Liên Xô đã ra đời 96 câu lạc bộ phát thanh.
Liên Xô cũng bắt đầu phát hành lại những ấn phẩm báo chí định kỳ dành cho người chơi đài. Năm 1946, nước này ra mắt số đầu tiên của Tạp chí “Phát thanh”. Không giấu được niềm vui, Anh hùng Liên Xô, nhà thám hiểm Bắc cực Ernst Krenkel, người được cấp phép thành lập đài phát thanh riêng đầu tiên ở Liên Xô, đã viết trên trang của mình: “Tuyệt vời là sau thời gian dài gián đoạn, mọi người lại quan tâm đến phát thanh!”.
Liên Xô cũng đã khôi phục lại việc sản xuất và bán máy thu thanh. Năm 1946, nước này đã xuất xưởng gần 300.000 chiếc đài. Tuy nhiên trong thời gian đầu, số lượng các thiết bị thu thanh chiến lợi phẩm được Hồng quân đưa về từ châu Âu còn lớn hơn nhiều.
QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)