Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas. (Nguồn: Getty Images/AFP)

Cả Berlin và Paris đều nhấn mạnh liên minh không nhằm vào Mỹ và chào đón sự tham gia của Washington. Nói là vậy nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, cánh cửa Liên minh chủ nghĩa đa phương luôn rộng mở là một chuyện, còn việc Washington có muốn bước vào hay không lại là chuyện khác. Chẳng có lý do gì để Mỹ phải mặn mà với chuyện gia nhập một liên minh “không cùng chí hướng” với mình, bởi theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, tiêu chuẩn “đầu vào” đối với các thành viên là phải “ủng hộ chủ nghĩa đa phương”.

Liên minh chủ nghĩa đa phương ra đời trong bối cảnh chính quyền Mỹ không ít lần khiến cộng đồng quốc tế đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bằng nhiều quyết sách đối ngoại chẳng giống ai, mà sau đó đã bị gắn mác là “học thuyết rút lui”, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa biệt lập hay chủ nghĩa bảo hộ. Trong mắt của một người xuất thân là thương nhân như Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã bị đối xử bất công khi “cho đi nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu” trong trật tự đa phương toàn cầu hiện nay. Vì vậy, vị chủ nhân Nhà Trắng sẵn sàng rũ bỏ những cam kết của các chính phủ tiền nhiệm và muốn viết lại “luật chơi” của thế giới theo hướng có lợi hơn cho Washington. Với ông, “đồng minh cũng không bằng đồng tiền” và “Nước Mỹ trên hết” mới là mục tiêu cốt lõi. Kết quả là Mỹ đã rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế, từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu cho đến thỏa thuận hạt nhân Iran; châm ngòi căng thẳng thương mại hay thậm chí là phớt lờ Liên hợp quốc để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như chủ quyền của Nhà nước Do Thái đối với Cao nguyên Golan…

Trong hàng thập niên qua, trật tự đa phương dựa trên luật lệ mà các tổ chức như Liên hợp quốc hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là đại diện chính là chìa khóa cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Song song với đó là sự vươn lên của nước Mỹ như một cường quốc không thể thiếu trên vũ đài quốc tế một phần nhờ vai trò lãnh đạo của nước này trong hệ thống các hiệp ước và liên minh dựa trên các quy tắc toàn cầu. Cũng vì vậy mà “học thuyết rút lui”, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa biệt lập hay chủ nghĩa bảo hộ của một thành viên “nặng ký” như Mỹ không những đã “giội gáo nước lạnh” mà còn là một bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu hiện nay. Đã có ý kiến hoài nghi rằng hành động khác biệt, thậm chí có tính đối kháng, trái ngược của Mỹ với phần còn lại của thế giới phải chăng là điềm báo cho thấy chủ nghĩa đa phương đã đến hồi cáo chung?!

Tuy nhiên,“vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Các quốc gia không thể vì hành động cá biệt của riêng một nước mà để trật tự đa phương toàn cầu dựa trên luật lệ bị sụp đổ. Việc hình thành Liên minh chủ nghĩa đa phương cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Theo các nguồn tin ngoại giao, cùng với hai cường quốc châu Âu là Pháp và Đức, Canada và Nhật Bản cũng sẽ gia nhập liên minh bên cạnh một danh sách các nước thành viên đầy triển vọng khác như Australia, Ấn Độ, Indonesia hay Mexico. Cũng cần phải lưu ý rằng, không phải ngẫu nhiên mà Pháp và Đức lại quyết định để tới tháng 9 mới chính thức “ra mắt” liên minh này. Việc chọn đúng thời điểm diễn ra Kỳ họp thường niên lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc rõ ràng là có dụng ý rất lớn và như khẳng định của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian: “Chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp rằng các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa phương và ủng hộ Liên hợp quốc vẫn chiếm đa số trên thế giới”.   

Thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Bên cạnh những “bóng ma xưa” như chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nạn phân biệt chủng tộc, các yếu tố tiêu cực mới như khủng bố Hồi giáo cực đoan hay biến đổi khí hậu đang đe dọa phá hỏng di sản hòa bình và thịnh vượng mà thế giới từng phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước. Dù là Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, nếu “đơn thương độc mã” thì sẽ không thể giải quyết được những thách thức mang tính toàn cầu này. Trong bối cảnh ấy, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định: “Hợp tác đa phương không phải một lựa chọn, mà là câu trả lời duy nhất”.

HOÀNG VŨ