Trả lời phỏng vấn Sky News, Tổng thống Zelensky cho rằng việc để Ukraine trở thành thành viên của NATO trong khi cho phép Nga giữ phần lãnh thổ hiện nay mà nước này đang kiểm soát có thể là một giải pháp để chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm qua. Ông nhấn mạnh, sau khi lệnh ngừng bắn được nhất trí, Kiev có thể đàm phán ngoại giao để nhận lại phần lãnh thổ ở phía Đông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ông cũng làm rõ rằng Kiev sẽ không chính thức từ bỏ Crimea và 4 khu vực khác đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 và 2022. “Theo luật, chúng tôi không thể công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ nào bị Moscow kiểm soát là của Nga. Điều đó là không thể. Điều đó trái với Hiến pháp Ukraine”, ông Zelensky lập luận.

Trong tuyên bố của mình, ông Zelensky ám chỉ rằng "chiếc ô NATO" sẽ không phải là tư cách thành viên đầy đủ của NATO, điều mà Nga vẫn kiên quyết phản đối như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Thay vào đó, các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp và Đức, có thể cung cấp các bảo đảm an ninh riêng lẻ cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc trả lời phỏng vấn với Sky News. Ảnh: Sky News 

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Zelensky thể hiện sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Ukraine so với trước đó. Sự thay đổi này diễn ra khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức với lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ngay trong "ngày đầu tiên". Theo CNN, ông Keith Kellogg, người mới đây được ông Donald Trump đề cử làm đặc phái viên phụ trách vấn đề xung đột Nga-Ukraine đã đưa ra một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột này. Đề xuất của ông Kellogg bao gồm việc đóng băng các chiến tuyến quân sự bằng một lệnh ngừng bắn, thiết lập vùng phi quân sự và hai bên sẽ cùng ngồi vào bàn đàm phán. Đáng chú ý, kế hoạch của ông Kellogg cũng đề xuất hoãn vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO “để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình toàn diện”.

Theo kế hoạch này, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong tương lai có thể được cung cấp dưới dạng các khoản vay và sẽ có điều kiện là Ukraine bắt buộc phải tham gia đàm phán với Nga. Nếu Ukraine đồng ý, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev trong phạm vi có thể để nước này tự vệ và đối phó với những mối đe dọa từ Nga trong tương lai.

CNN cho rằng, việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine là một trong những vấn đề gai góc nhất mà ông Donald Trump cam kết sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ sắp tới của mình. Việc tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột vốn kéo dài hơn hai năm qua chắc chắn đòi hỏi mỗi bên phải nhượng bộ. Nếu Nga đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine, các lệnh trừng phạt áp đặt với Moscow sẽ được gỡ bỏ bớt và tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Nga và Ukraine.

Theo CNN, kế hoạch này mang đến cho Ukraine cơ hội chấm dứt xung đột trong bối cảnh quân đội Kiev đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, tuy nhiên cũng sẽ buộc nước này phải gác lại tham vọng gia nhập NATO. Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9-2022. Tuy nhiên, việc gia nhập vẫn còn gặp nhiều trở ngại do các thành viên liên minh lo ngại điều này sẽ dẫn đến leo thang xung đột với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định việc NATO mở rộng về phía Đông là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng, nếu NATO đồng ý đưa Ukraine đặt dưới sự bảo vệ an ninh của liên minh, điều này có thể tạo ra một vùng an toàn và củng cố vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình sau này. Tuy nhiên, Nga chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ động thái này.

BẢO CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.