Nhà lãnh đạo Ukraine đề cập tới khả năng trung lập trong bối cảnh vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong hai ngày 29 và 30-3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tổng thống Zelensky, Ukraine đã sẵn sàng thực hiện các bảo đảm an ninh và tình trạng trung lập, phi hạt nhân hóa và đây là những điểm quan trọng nhất. Ông Zelensky cho biết Ukraine đã thảo luận cả về vấn đề sử dụng tiếng Nga ở Ukraine trong các cuộc đàm phán, song từ chối bàn về những yêu cầu khác như phi quân sự hóa...
 |
Người dân Ukraine sơ tán tới cửa khẩu ở Palanca, khu vực biên giới giữa Moldova và Ukraine.Ảnh: AFP
|
Tổng thống Zelensky cho biết, việc bảo đảm an ninh và tình trạng trung lập, phi hạt nhân hóa đều là những mục tiêu Moscow đã đưa ra đầu tiên khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky không đi sâu vào chi tiết phi hạt nhân hóa vì theo giới quan sát, nêu ra điều này có thể gây ra hiểu lầm Kiev đang có vũ khí hạt nhân. Ukraine đã chuyển toàn bộ đầu đạn hạt nhân được thừa hưởng từ Liên Xô cho Nga vào cuối thế kỷ trước. Hồi đầu tháng này, phía Nga cáo buộc Ukraine đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân tại Nhà máy Chernobyl, nơi đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Nga từ cuối tháng 2.
Theo ông Zelensky, những bảo đảm an ninh khi Ukraine trở thành nước trung lập cần phải trở thành "một hiệp ước nghiêm túc và cần được ký kết". Nhà lãnh đạo Ukraine chia sẻ mối quan tâm của ông là làm thế nào để hiệp ước này được thực thi, không phải chỉ là một mảnh giấy đơn thuần. Ukraine sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu Nga chỉ theo đuổi phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị mà không có các bảo đảm an ninh nào cho Kiev. Tổng thống Zelensky khẳng định mục tiêu của Ukraine rất rõ ràng, đó là lập lại hòa bình và khôi phục cuộc sống bình thường ở quốc gia này càng sớm càng tốt.
Đề cập đến hai vùng ly khai ở khu vực Donbass và bán đảo Crimea (Nga sáp nhập năm 2014), Tổng thống Zelensky nhấn mạnh quan điểm của Kiev là các vấn đề liên quan phải được thảo luận và giải quyết thông qua đàm phán.
Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẵn sàng trở thành nước trung lập nhưng cũng đồng thời lưu ý bất kỳ thỏa thuận gì liên quan đến việc này cần lắng nghe ý kiến nhân dân, tức trưng cầu dân ý. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ mức độ trung lập mà Nga muốn và Ukraine sẵn sàng chấp nhận là gì.
Đề xuất về tình trạng trung lập tuy mới là đề xuất của phía Ukraine nhưng được trông đợi có thể mở ra lối thoát cho cuộc chiến hiện nay, bởi có thể nhìn thấy lợi ích cho cả hai. Hồi đầu tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đây là phương án đang được thảo luận và có thể được coi là một điểm nhất trí giữa hai bên.
Trong các cuộc đàm phán gần đây, mặc dù cả hai đã đưa ra những đề xuất và cả những yêu cầu cũng như nhượng bộ nhất định, nhưng kết quả đàm phán có rất ít tiến triển và triển vọng kết thúc xung đột vẫn chưa rõ ràng. Trước đó, Tổng thống Nga đã đưa ra một số điều kiện cần thiết để chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine, cụ thể yêu cầu Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập và không gia nhập NATO. Ngoài ra, Ukraine sẽ phải trải qua quá trình giải trừ quân bị để bảo đảm rằng nước này sẽ không là mối đe doạ với Nga và bảo vệ ngôn ngữ Nga tại nước này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng muốn Ukraine phải chấp nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của các nước Cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine gặp khó khăn do phía Ukraine liên tục thay đổi quan điểm, trong khi Cố vấn của Tổng thống Nga, đồng thời là người dẫn đầu đoàn đàm phán Nga-ông Vladimir Medinsky cáo buộc Kiev đang "câu giờ" trong đàm phán để tham vấn các bên thứ ba.
Phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp để tìm giải pháp cho cuộc xung đột, trước khi chuyển sang đàm phán trực tuyến nhằm đẩy nhanh tiến trình. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên mới thống nhất được về vấn đề lập hành lang sơ tán dân thường, chưa đạt được đột phá về lệnh ngừng bắn.
XUÂN PHONG