 |
Ông Hồ Cương Quyết |
Cuối năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông An-đre Men-rát (Andre Menras) với tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết. Ông là một trong hai người Pháp đã dũng cảm phất cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trước tòa nhà Quốc hội của ngụy quyền Sài Gòn và rải truyền đơn đòi độc lập, hòa bình cho Việt Nam vào năm 1970. Trong sự xúc động được trở thành công dân Việt Nam, mới đây ông Hồ Cương Quyết đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ l'Herault du jour của Pháp...
- Trước tiên, đâu là lý do khiến ông muốn trở thành người Việt Nam? Ông mong đợi gì ở điều này?
Tôi thuộc về “thế hệ Việt Nam”. Từ khi hai mươi tuổi, tôi đã rất gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Cuốn theo các cuộc chiến tranh, tôi đã mạo hiểm cuộc sống, rời bỏ gia đình cùng các bạn bè để chiến đấu bên cạnh các người bạn Việt Nam. Trong trận chiến này, họ đã trở thành những người anh em của tôi và đặt tên Việt Nam cho tôi. Đấy chính là tên trên chứng minh thư và hộ chiếu Việt Nam của tôi ngày nay... Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tôi là công dân Việt Nam 100% gốc nước ngoài.
- Ông đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trực tiếp trao tặng quốc tịch Việt Nam, ông có thể miêu tả lại buổi lễ đã diễn ra như thế nào?
Thực ra thì dự định xin nhập quốc tịch Việt Nam của tôi đã được ấp ủ từ rất lâu. Ý tưởng này nảy ra trong cuộc trò chuyện thân mật giữa tôi với Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 3 năm. Lúc đó, Luật hai quốc tịch tại Việt Nam vẫn chưa được thông qua và trong số ít người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam lại phải bỏ quốc tịch cũ. Tôi đã viết một bức thư xin được có hai quốc tịch. Tháng 7-2009, Luật hai quốc tịch ra đời và có hiệu lực từ tháng 11-2009. Chủ tịch nước biết câu chuyện của tôi do đồng đội cũ của ông kể lại, trong đó một số người cũng là bạn của tôi. Từ đó trở đi, mọi việc tiến triển rất nhanh. Ngày 4-11-2009, khi biết tôi có mặt tại Việt Nam, Ngài Chủ tịch nước đã mời tôi đến gặp. Cuộc gặp mặt diễn ra rất thân mật, gần 30 phút sau, Ngài Chủ tịch nước hứa sẽ thực hiện mong muốn của tôi. Ngay tiếp đó là bữa ăn thân mật tại nhà riêng Chủ tịch nước...
Ngày 13-11, Ngài Chủ tịch nước thông báo cho tôi về quyết định trao quốc tịch Việt Nam được ký và ngày 28-11, tôi gặp lại Ngài trong cuộc họp mặt đồng đội tại cánh rừng gần biên giới Cam-pu-chia, căn cứ địa của lực lượng kháng chiến, nơi mà mọi hỏa lực mạnh mẽ nhất của quân Mỹ không thể nào san bằng được. Chủ tịch nước hẹn tôi 3 ngày sau tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh để nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Buổi lễ diễn ra rất long trọng, đầy tình cảm và ấm áp với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và báo chí. Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận được hộ chiếu cùng chứng minh thư Việt Nam. Tôi quay lại Pháp ngày tiếp theo với tất cả các giấy tờ công dân mới Hồ Cương Quyết.
- Ông có mong đợi mình được nói tới nhiều trên báo chí không?
Tôi thấy điều đó không thích hợp lắm với địa vị khiêm tốn của tôi, nhưng tôi không phủ nhận rằng tôi cảm thấy rất vinh hạnh.
- Kế hoạch sắp tới của ông là gì?
Tiếp tục là cầu nối hữu hiệu hơn cho hai đất nước, hai cộng đồng khu vực, hai dân tộc Pháp-Việt, vì một sự hợp tác đích thực và đúng đắn.
- Cuối cùng, nếu như trong một trận đấu thể thao giữa Việt Nam và Pháp, con tim ông sẽ hướng chiến thắng vào đội nào?
Người ta thường hỏi tôi một câu như: “Này An-đre, cuối cùng thì ông là người Pháp hay người Việt Nam vậy?" Giống như trong bài hát của Josephine Baker, tôi có hai tình yêu. Khi ở trong tù, tôi được nghe những câu chuyện chống lại chủ nghĩa thực dân của những người Pháp như H.Mác-tanh (H.Martin), M.Ri-phô (M.Riffaud), R.Điêng (Raymonde Dien) thì tôi thật sự cảm giác mình là người Pháp. Khi tôi chống lại bức tường nhà tù của chủ nghĩa thực dân Pháp, tôi lại thấy mình là người Việt Nam. Gốc rễ đầu tiên của tôi về mặt sinh học là người phương Tây, còn gốc rễ Việt Nam của tôi lại được vun đắp từ cách mạng. Phần gốc rễ này cũng rất quan trọng do nó là cả cuộc đời thanh niên của tôi. Thế nên, mọi người đừng yêu cầu tôi phải chọn lựa những gì không thể tách biệt ra được. Còn nếu có một trận đấu thể thao, tôi rất yên tâm vì chẳng có gì phải chọn lựa cả, người Việt Nam không chơi bóng bầu dục!
VIỆT TRUNG (biên dịch)