Thời còn cắp sách tới trường, cho dù bị bạn bè cùng trang lứa bắt nạt nhưng Pyo Ye-rim luôn phải chịu đựng một mình. Thay vì xử lý thỏa đáng vấn đề, các thầy cô lại chỉ khuyên bảo Pyo Ye-rim cần “thân thiện hơn” với những đối tượng bắt nạt mình. Và tình trạng bắt nạt cứ thế tiếp diễn. Hậu quả là Pyo Ye-rim buộc phải nghỉ học giữa chừng, từ bỏ giấc mơ vào đại học để đi học nghề. “Lúc bấy giờ tôi chỉ có một mong ước là có thể được ai đó giúp đỡ. Thế nhưng không có ai cả. Tôi đã tự mình đấu tranh, tự mình tìm lối thoát”, cô Pyo Ye-rim chia sẻ với AFP mới đây.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: educhatter.wordpress.com

 

Nỗi ám ảnh bạo lực học đường đeo bám khiến Pyo Ye-rim bị mất ngủ, trầm cảm trong nhiều năm liền trước khi cô quyết định không thể trốn tránh được nữa và cần công khai sự thật bằng cách tham gia phong trào “Hakpok #MeToo”. Kết quả là một trong những kẻ bắt nạt cô năm nào hiện đã bị đuổi việc.

AFP cho biết phong trào “Hakpok #MeToo” (“Hakpok” trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "bạo lực học đường", "MeToo" trong tiếng Anh có nghĩa là "tôi cũng vậy") ngày càng lan rộng tại xứ sở kim chi, khuyến khích nạn nhân công khai danh tính thủ phạm bạo lực học đường. Phong trào nhận được sự đồng cảm mạnh mẽ của công chúng Hàn Quốc dành cho các nạn nhân. Theo các chuyên gia, tại một quốc gia coi trọng giáo dục như Hàn Quốc, nơi trẻ em có thể dành tới 16 giờ mỗi ngày cho việc học chính khóa và học thêm, bạo lực học đường trở thành “căn bệnh phổ biến”. Vấn nạn này chưa được nhiều trường học tại Hàn Quốc quan tâm thỏa đáng, cùng với đó là những quy định pháp luật liên quan còn hạn chế khiến các nạn nhân khó đưa ra cáo buộc nhiều năm sau đó. “Phong trào “Hakpok #MeToo” đã giúp nhiều nạn nhân trút bỏ nỗi xấu hổ về những gì đã trải qua”, AFP dẫn lời luật sư Noh Yoon-ho tại Seoul.

Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã không ngừng nỗ lực nhằm bảo đảm trường học phải là nơi an toàn cho học sinh. Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã hủy bỏ việc bổ nhiệm ông Chung Sun-sin làm Giám đốc Cơ quan Điều tra quốc gia sau khi con trai ông vướng vào bê bối bạo lực học đường. Theo Yonhap, vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua quy định mới, theo đó học sinh có hành vi bắt nạt tại trường học sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật và “được phản ánh” trong quá trình xét tuyển vào đại học, bắt đầu thực hiện từ năm 2026. Ngoài ra, thời gian lưu giữ bắt buộc hồ sơ kỷ luật đối với những học sinh có hành vi bắt nạt nghiêm trọng được tăng lên 4 năm (thay vì hai năm như hiện nay) sau khi tốt nghiệp để các trường hợp này sẽ gặp bất lợi khi xét tuyển vào đại học hoặc xin việc làm. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc sẽ mang lại hiệu quả hơn khi có sự phối hợp chặt chẽ của các trường học. “Vấn đề là hiện vẫn chưa có một hệ thống nào ở cấp độ trường học để các nạn nhân có thể tiếp cận một cách không do dự, tìm kiếm được biện pháp ứng phó tức thời và đầy đủ ngay khi bị bắt nạt”, Giáo sư Jihoon Kim chuyên nghiên cứu về các hành vi bắt nạt tại Hàn Quốc nhấn mạnh.

Theo Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bạo lực học đường có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Ước tính có tới 1/2 số học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 trên thế giới từng trải qua bạo lực “ngay bên trong và xung quanh trường học”. “Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình. Thế nhưng, đối với hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới, trường học lại chưa phải là nơi an toàn”, UNICEF nêu rõ.

HOÀNG VŨ