Tết truyền thống của người Trung Quốc sẽ bắt đầu từ mồng 8 tháng Chạp năm trước kéo dài đến rằm tháng Giêng năm sau. Họ đón Tết với rất nhiều phong tục đặc biệt.
Ăn cháo trong Tết Lạp Bát
Tết Lạp Bát của người Trung Quốc diễn ra vào mồng 8 tháng Chạp với phong tục ăn cháo lạp bát nấu từ các loại hạt. Tết Lạp Bát đã có lịch sử từ hàng nghìn năm.
 |
Ăn cháo trong dịp Tết Lạp Bát là một phong tục có từ hàng nghìn năm của người Trung Quốc . Ảnh: Soho.com
|
Tết Lạp Bát bắt nguồn từ lễ Lạp Tế thời xưa của Trung Quốc. Ngay từ thời xa xưa, Trung Quốc đã rất chú trọng nông nghiệp. Người Trung Quốc cho rằng một năm khi mùa màng bội thu là do trời đất phù hộ, vì vậy phải tổ chức nghi lễ tạ ơn, tức lễ Lạp Tế một cách trang trọng, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa trong vụ mùa sau. Trong đó, khi kết thúc lễ Lạp Tế, họ tổ chức nấu cháo kê mới để mọi người cùng ăn. Sau đó, lễ Lạp Tế dần phát triển thành ngày lễ để thờ cúng tổ tiên.
Nguyên liệu nấu cháo lạp bát khác nhau tùy theo vùng miền và dân tộc. Trong đó, có một số nguyên liệu chính như: Gạo tẻ, kê, gạo nếp, ý dĩ, yến mạch, táo đỏ, lạc, nho khô, đậu đỏ, đỗ xanh, đỗ đen...
 |
Nhiều ngôi chùa ở các tỉnh, thành của Trung Quốc tổ chức hoạt động phát cháo miễn phí trong Tết Lạp Bát. Ảnh: Soho.com
|
Vào ngày này, nhiều ngôi chùa ở các tỉnh thành của Trung Quốc tổ chức phát cháo miễn phí, với ý nghĩa mang đến may mắn, tốt lành cho mọi người, giúp họ hướng thiện.
Tết Lạp Bát cũng là hoạt động khởi đầu của Tết truyền thống hàng năm ở Trung Quốc.
Tết Tiểu niên
Ngày 23 tháng Chạp, thường được gọi là tết Tiểu niên, hay như ở Việt Nam được biết đến với tên gọi tết ông Công, ông Táo. Do phong tục ở các vùng miền Trung Quốc khác nhau nên ngày tết Tiểu niên ở các vùng miền cũng khác nhau. Ở miền Bắc thì tết Tiểu niên được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp; còn ở miền Nam lại thường tổ chức vào 24 tháng Chạp.
 |
Lễ vật cúng ông Công ông Táo sẽ là những loại đồ ngọt, để ông Công, ông Táo chỉ báo cáo những điều tốt đẹp về gia chủ. Ảnh: Soho.com
|
Vào ngày này, các gia đình sẽ làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên trời báo cáo với Ngọc hoàng về tình hình gia chủ trong một năm qua. Vì vậy, lễ vật thường sẽ là những loại đồ ngọt. Họ cho rằng điều này sẽ khiến ông Công, ông Táo chỉ báo cáo những điều tốt đẹp về gia chủ.
Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Với người Trung Quốc, việc dọn dẹp nhà cửa, quét sạch mọi ngóc ngách trong nhà trước Tết không chỉ là loại bỏ bụi bẩn trong nhà, mà còn "quét sạch" cả những cái cũ, những điều xui xẻo, không may mắn trong năm cũ. Điều này sẽ giúp "làm sạch" không gian, mang lại một khởi đầu mới tươi đẹp và may mắn hơn trong năm mới.
 |
Việc dọn dẹp nhà cửa còn mang ý nghĩa "quét sạch" cả những cái cũ, những điều xui xẻo, không may mắn trong năm cũ. Ảnh: Gzstv.com |
 |
Người Trung Quốc cho rằng màu đỏ là màu của sự may mắn, thịnh vượng, xua đuổi điều xui xẻo. Ảnh: Sohu.com
|
Người Trung Quốc rất thích trang trí Tết bằng những thứ có màu đỏ, màu vàng vì theo họ đây là màu của sự may mắn, thịnh vượng, xua đuổi điều xui xẻo.
Dán chữ Phúc, câu đối đỏ
Đến giữa tháng 12 âm lịch, không khí Tết càng rộn ràng, đậm đà. Người người, nhà nhà tất bật mua sắm đồ Tết. Các khu chợ rất sôi động, bày bán đủ loại những câu đối, chữ “Phúc” đỏ rực, những bức tranh Tết tinh xảo, cùng các loại bánh kẹo và các loại hạt thơm ngon.
 |
Dán chữ Phúc ngược, câu đối đỏ trước cửa nhà. Ảnh: Sohu.com
|
Trong đó, người Trung Quốc rất cầu kỳ trong việc lựa chọn câu đối Tết dán trước cửa từ hình thức cân đối, đến nội dung mang ý nghĩa tốt lành, may mắn; gửi gắm mong muốn một năm mới an lành, may mắn, tốt đẹp cho gia chủ.
 |
Chữ “Phúc” thường được dán ngược, mong muốn những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình.
|
Ngoài ra, chữ “Phúc” thường được dán ngược. Trong tiếng Hán, âm đọc chữ "phúc đảo" gần với âm "phúc đáo" - phúc đến, với mong muốn những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình.
Đêm Giao thừa
30 tháng Chạp là một trong những thời điểm quan trọng trong dịp Tết. Vào ngày này, cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Với người Trung Quốc, đây là bữa cơm rất quan trọng, dù có ở bất kỳ nơi đâu cũng muốn kịp về nhà dự bữa cơm đoàn viên, ấm áp nhất trong năm này.
 |
Cả nhà quây quần bên bữa cơm tất niên ngày Tết. Ảnh: Tân Hoa xã
|
 |
Pháo hoa rực rỡ chào đón năm mới. Ảnh: Tân Hoa xã
|
Đặc biệt nữa là hoạt động đón Giao thừa. Sau bữa tối, mọi người đều không ngủ, ngồi quây quần trò chuyện, lưu giữ giây phút cuối cùng của năm cũ và chào đón năm mới. Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bên ngoài sẽ có tiếng pháo nổ hoặc những màn bắn pháo hoa rực rỡ. Họ tin rằng tiếng pháo sẽ giúp xua đi những điềm gở, điều xui xẻo, mang lại sự may mắn, mang lại sự vui vẻ, bình an trong năm mới.
Mừng tuổi và chúc Tết đầu năm
Cũng giống như ở nước ta, người Trung Quốc cũng có phong tục mừng tuổi trẻ em đầu năm. Tiền mừng tuổi được đựng trong những bao lì xì màu đỏ, với ý nghĩa chúc cho con trẻ bước sang tuổi mới nhiều điều tốt lành sẽ đến.
 |
Cũng giống như ở nước ta, người Trung Quốc cũng có phong tục mừng tuổi trẻ em đầu năm.
|
Dịp này, mọi người sẽ đi thăm hỏi, chúc Tết và trao quà cho người thân, họ hàng; thể hiện sự quan tâm, yêu thương và cầu mong may mắn và thịnh vượng cho một năm mới. Họ cũng sẽ tổ chức những buổi gặp mặt gia đình, giúp mọi người quầy quần sẻ chia, gắn kết với nhau và hiểu nhau hơn.
Ở nhiều nơi của Trung Quốc, có tục ngày mồng 2 Tết về nhà bố mẹ vợ chúc Tết. Con rể cùng vợ con mang theo những túi quà về chúc bố mẹ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mong cả nhà luôn hòa thuận, vui vẻ.
Một số nơi lại cho rằng ngày mồng 3 Tết là “ngày khắc khẩu”, vì người ta cho rằng ngày này dễ xảy ra cãi vã với người khác nên mọi người tránh ra ngoài chúc Tết mà chỉ ở nhà.
Tết Nguyên tiêu
Vào ngày Tết Nguyên tiêu (tức ngày rằm tháng Giêng), người Trung Quốc thường ăn bánh trôi nước. Những viên bánh trôi nước béo và tròn, tượng trưng cho sự đoàn tụ, viên mãn và hạnh phúc của gia đình.
 |
Những viên bánh trôi nước béo và tròn, tượng trưng cho sự đoàn tụ, viên mãn và hạnh phúc của gia đình. Ảnh: Sohu.com
|
Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết hoa đăng vì theo phong tục truyền thống, vào ngày này người Trung Quốc sẽ treo đèn lồng, thả đèn hoa đăng và ngắm đèn. Đêm rằm tháng Giêng, khắp các con đường, ngõ hẻm,... đâu đâu cũng được trang trí bằng các loại đèn lồng nhiều màu sắc bắt mắt.
Ngoài ra còn có hoạt động giải câu đố trên đèn lồng. Người ta sẽ treo đèn lồng lên rồi dán lên đó những tờ giấy có ghi câu đố. Những câu đố gợi mở lại những kiến thức thú vị, giúp không khí cho thêm phần sôi động, vì vậy rất nhiều người hưởng ứng tham gia. Đây cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên tiêu.
Sau khi hết Tết Nguyên tiêu thì người Trung Quốc mới thực sự kết thúc kỳ nghỉ Tết truyền thống và bắt đầu làm việc trong năm mới.
ĐẶNG LOAN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.