Là con cả và có 3 đứa em nhỏ, Zo'rab đi khắp các ngôi trường giờ đã trở thành khu tị nạn, các dãy lều trại tạm bợ ven đường, các bệnh viện chật kín người bị thương hay bất cứ nơi nào có nồi nước sôi bắc trên bếp lửa, bởi ở đấy sẽ có thức ăn được phân phát hoặc ít nhất là cậu có thể xin được thứ gì đó. Mẹ của Zo'rab chỉ quanh quẩn ở nhà vì đang bị ung thư xương, khó đi lại và tự nhận “nhìn như 60 tuổi” bởi thiếu ăn dài ngày và không có thuốc điều trị. Trong khi đó, cha cậu cũng phải lang thang khắp thành phố để làm những công việc lặt vặt, với hy vọng chỉ cần kiếm được dưới 1,4USD mỗi ngày để mua tã cho cô con gái út mới vài tháng tuổi.

Zo'rab (ngoài cùng, bên phải) cùng mẹ và các em. Ảnh: BBC 

Không phải lúc nào nhiệm vụ cũng được hoàn thành. Nhiều khi Zo'rab phải trở về với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, hôm đó, cậu lại gặp may khi lấy được một tô đậu hầm ngon lành, mà cậu phải trổ tài “chen hàng” nhưng không gây ẩu đả. “Có gần 100 người xếp hàng dài trước mặt, cháu nhanh chân lẻn vào giữa mà không ai hay biết”, BBC dẫn lời kể với giọng điệu đầy tự hào về bản thân của Zo'rab.

Giống hàng triệu người Palestine khác, gia đình Zo'rab đến Rafah sau khi chạy nạn khỏi TP Khan Younis 3 tháng trước. Khoảng 85% dân số dải Gaza đang tập trung ở Rafah, gây áp lực rất lớn lên công tác viện trợ nhân đạo. Theo tính toán của Liên hợp quốc, Rafah cần 500 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày, gấp nhiều lần so với trung bình chỉ 90 xe như hiện nay. Thậm chí, các tổ chức từ thiện còn sử dụng cả những gì còn sót lại từ nguồn thực phẩm của chính những nhân viên để cấp cho người dân Gaza. Trong bối cảnh khó khăn ấy, Zo'rab gia nhập đội quân hàng nghìn đứa trẻ ở Rafah có cùng hoàn cảnh hằng ngày phải đi tìm thực phẩm để nuôi sống gia đình thay vì cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

KHÁNH NGÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.