A.Mi-tra kể cuộc đời mình giống như “một chuyến phiêu lưu”. Sinh ra trong một gia đình trung lưu tại thị trấn nhỏ Han-bát ở bang Gia-khan, miền Đông Ấn Độ, anh đã bỏ nhà ra đi sau một lần thi trượt vì không hài lòng khi cha muốn anh học kỹ sư, trong khi anh thích làm việc với máy tính. Tới Niu Đê-li, A.Mi-tra sống trong căn nhà làm bằng đất sét, không có nhà vệ sinh và phải ngủ trên sàn cùng 6 người khác. Để tồn tại ở Niu Đê-li, A.Mi-tra phải cùng lúc làm hai công việc, đó là bán tạp chí và làm tại nhà hàng.

Triệu phú “ổ chuột” A.Mi-tra. Ảnh: Millionaire.it. 

Một lần tình cờ A.Mi-tra nhìn thấy một tờ quảng cáo về giải thưởng 10.000USD cho ý tưởng kinh doanh. Khi đó, cậu thanh niên 16 tuổi đã nghĩ đến việc cung cấp internet miễn phí cho phụ nữ có thu nhập thấp. Không ngờ ý tưởng của A.Mi-tra đã được trao giải. Anh dùng số tiền thưởng để thành lập Công ty Women Infoline chuyên lấy doanh thu từ quảng cáo để cung cấp internet miễn phí. Nhưng khi đó, A.Mi-tra “không phải là lãnh đạo tốt” như anh tự thừa nhận. Anh đã từ chức vào năm 2000 sau lần phát hành cổ phiếu công ty ra công chúng.

Với số vốn không nhiều có được từ Women Infoline, A.Mi-tra chuyển tới Anh và mở một hãng công nghệ tại đây, nhưng công việc không được thuận lợi nên cuối cùng đã trắng tay. Sau đó anh làm một công việc nhàm chán cho một công ty bảo hiểm nên đã lao vào nghiện rượu.

Nhưng có một chuyện đã làm thay đổi cuộc đời A.Mi-tra vào một buổi chiều. Khi đó anh đến quán rượu quen ở Xu-rây, phía Nam Luân Đôn uống rượu cùng một người bạn là Ô-ma (Ô-ma sau này là đồng sáng lập Blippar)… “Tôi đã đặt tờ tiền lên bàn và nói đùa “Hãy tưởng tượng Nữ hoàng Ê-li-da-bét (Elizabeth) nhảy khỏi tờ tiền này thì sao nhỉ?”. Nó chỉ là câu đùa ngớ ngẩn thôi”, anh nhớ lại.

Nhưng sau đó, Ô-ma đã viết một ứng dụng chèn ảnh mặt bạn mình lên nữ hoàng trên tờ tiền. Việc này đã giúp A.Mi-tra nảy ra ý tưởng phát triển một ứng dụng mà “khi soi vào mọi thứ trên thế giới, mình có thể đè nội dung của mình lên”. Và thế là ứng dụng thực tế ảo-Blippar ra đời năm 2011. Ứng dụng này cho phép khi sử dụng camera của điện thoại, nó sẽ chèn đè hình ảnh hoạt họa lên mọi vật xung quanh. Ví dụ, nếu chĩa điện thoại vào một lon Coca-Cola, nó có thể biến thành một chiếc máy hát tùy theo lựa chọn của người sử dụng.

Đến nay, Blippar đã có hơn 65 triệu người dùng tại 170 quốc gia. Ứng dụng này phát triển nhanh chóng và hiện có văn phòng tại 12 địa điểm trên thế giới. Công ty hiện có hơn 300 nhân viên, đã huy động được 99 triệu USD vốn.

Blippar còn kiếm tiền bằng cách hợp tác với nhiều thương hiệu, như: Hãng xuất bản Conde Nast, hãng xe Jaguar, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever hay hãng bánh kẹo Nestle. Dự kiến Blippar sẽ thêm nhiều nội dung vào ứng dụng, thay vì chỉ cho biết sản phẩm này là gì. Trong tương lai, A.Mi-tra muốn ứng dụng này có khả năng nhận diện mọi thứ trên thế giới. Một trong những mục tiêu của anh là dùng Blippar để giáo dục và hỗ trợ những người không biết chữ. Ví dụ như cung cấp hướng dẫn đi tàu cho những người này bằng audio.

PHƯƠNG NAM