Hãng tin CNBC dẫn số liệu do Công ty nghiên cứu tài sản Spectrem Group mới công bố cho thấy, số lượng người Mỹ sở hữu khối tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên đã tăng hơn 10%, từ mức 13,3 triệu người vào năm 2020 lên mức kỷ lục 14,6 triệu người vào năm 2021.

Nói về sự gia tăng chóng mặt này, ông George Walper, Chủ tịch Spectrem Group nhận định, năm 2021 là năm thành công nhất từ trước đến nay trong việc tạo ra các triệu phú ở Mỹ.

Diane Hendricks - người mới được Tạp chí Forbes vinh danh là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Ảnh: Hendricks Family Foundation

Đáng chú ý, sự gia tăng tài sản cũng diễn ra mạnh nhất ở nhóm những người thuộc hàng giàu nhất nước Mỹ. Số liệu của Spectrem Group chỉ rõ, số người Mỹ sở hữu từ 25 triệu USD đã tăng 18%, từ mức 214.000 người vào năm 2020 lên 252.000 người. Trong khi đó, số người Mỹ có tài sản từ 100.000 đến 1 triệu USD tăng chỉ khoảng 2%.

Bên cạnh đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình tại nền kinh tế số một thế giới trong những năm gần đây cũng tăng lên trông thấy. Báo cáo của Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ đã tăng từ mức trung bình 54.000USD trong giai đoạn 2011-2015 lên 65.000USD trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Reuters, lý giải về sự gia tăng “đột biến” số lượng các triệu phú ở Mỹ, báo cáo của Spectrem Group cho rằng, thị trường chứng khoán là chiếc chìa khóa để tạo ra tài sản lớn nhất cho các triệu phú và giới giàu có ở nước này trong năm qua.

Thực tế cho thấy, mặc dù hai biến thể Delta và Omicron vẫn lây lan mạnh song nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau khi bị những làn sóng Covid-19 càn quét. Cũng vì thế mà thị trường chứng khoán đã bắt đầu chứng minh khả năng sinh lời. Dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nêu rõ rằng, chỉ riêng năm 2021, nhóm 1% người giàu nhất nước Mỹ đã nắm giữ hơn 3.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, với việc giá của các đồng tiền kỹ thuật số và các tài sản khác như bất động sản, đồ sưu tầm tăng cao, túi tiền của những người giàu có tại Mỹ cũng phồng lên nhanh chóng. Đó là chưa kể giá trị các khoản đầu tư vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm cũng tăng mạnh, khiến giới nhiều tiền lại càng thắng đậm.

"Những người giàu có khả năng tiếp xúc nhiều nhất với các khoản đầu tư rộng lớn nhất. Đó không chỉ là thị trường thanh khoản truyền thống hoạt động tốt năm ngoái mà còn là các khoản đầu tư thay thế, đầu tư bất động sản và tiền điện tử", ông Walper nêu rõ.

FED cũng chỉ rõ một thực trạng, đó là khối tài sản của giới siêu giàu càng phình to thì khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ càng bị nới rộng. Ước tính 1% giới siêu giàu ở quốc gia này hiện nắm giữ tới 32% của cải toàn xã hội.

Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia tài chính, mức lợi nhuận mà các triệu phú ở Mỹ đạt được trong năm 2021 khó có thể duy trì được trong năm nay do một số vấn đề, như: Lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, khả năng suy giảm kinh tế và thị trường chứng khoán bắt đầu sụt giảm.

"Mỗi ngày đều thay đổi, vì vậy, thật khó để dự đoán năm nay kết thúc ở đâu. Vài tháng đầu năm 2022 đã vẽ nên một bức tranh khác với năm 2021", Chủ tịch Spectrem Group nhận định.

Nhìn chung, số liệu mà Spectrem Group vừa công bố phần nào chứng minh cho một xu hướng nổi bật không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác, đó là đại dịch Covid-19 đang khiến "người nghèo thì càng khó, còn người có thì càng giàu".

TRUNG DŨNG