Theo The Japan Times, trong thông báo gần đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, trong năm 2019, số vụ bắt nạt được ghi nhận tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở giáo dục chuyên biệt tại nước này tăng khoảng hơn 60.000 vụ so với năm trước đó, lên mức kỷ lục 612.496 vụ. Con số ghi nhận tăng đột biến xuất phát từ việc các giáo viên Nhật Bản quan tâm, bảo vệ học sinh hơn, ngay cả trong những trường hợp nhỏ nhặt. Cuộc khảo sát của bộ trên chỉ ra rằng, 83,2% số vụ BNHĐ đã được giải quyết.
BNHĐ không phải là vấn nạn mới nhưng vẫn luôn gây nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Giễu cợt, trêu chọc là những trường hợp phổ biến nhất ở các trường học nước này. Các vụ bắt nạt liên quan đến máy tính cá nhân và điện thoại di động thì thường xảy ra ở các trường trung học. Trong bối cảnh AI đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống của người dân xứ phù tang, theo hãng tin Kyodo, chính quyền gần 30 địa phương ở Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ này ở các cơ sở giáo dục để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vụ BNHĐ với hy vọng có thể đưa ra phản ứng tốt hơn. Cụ thể, mỗi khi xảy ra một vụ BNHĐ, mọi thông tin về vụ việc như thời gian, địa điểm và thủ phạm sẽ được đưa vào hệ thống. Sau đó, hệ thống này sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc và biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm nguy cơ. Tổng cộng có khoảng 50 mục dữ liệu sẽ được sử dụng để đánh giá các vụ việc. Theo các nhà phát triển hệ thống trên, nếu kết quả đạt mức 70% hoặc thậm chí cao hơn thì điều đó đồng nghĩa với việc nhà trường cần can thiệp khẩn cấp.
Trước đó, từ đầu năm 2019, thành phố Otsu thuộc tỉnh Shiga của Nhật Bản đã trở thành địa phương đi tiên phong trong việc ứng dụng AI để ngăn chặn BNHĐ. Chính quyền TP Otsu đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Hitachi Systems để phát triển hệ thống AI giám sát nguy cơ xảy ra BNHĐ dựa trên phân tích các trường hợp trong quá khứ. Nhờ hệ thống này, các giáo viên, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm, có cách thức ứng phó phù hợp.“BNHĐ có thể bắt đầu từ những va chạm nhỏ giữa học sinh nhưng có thể trở nên tồi tệ hơn qua từng ngày. Do đó, việc nhận biết những vụ việc nào có xu hướng trở nên nghiêm trọng là vô cùng cần thiết", một quan chức ngành giáo dục TP Otsu cho hay.
Chính quyền TP Otsu từng hứng “búa rìu” dư luận trong quá trình xử lý vụ BNHĐ gây rúng động xã hội Nhật Bản vào năm 2011. Thời điểm đó, tại Otsu, một học sinh lớp 8 đã tìm đến cái chết bằng cách nhảy xuống từ tòa chung cư nơi cậu sống sau khi bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Hội đồng giáo dục của thành phố đã khảo sát các học sinh cùng lớp và nhận ra rằng cậu bé đã bị bạn học hành hung. Tuy nhiên, cuộc điều tra không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa vụ tự tử và bắt nạt. Hội đồng đã đóng lại cuộc điều tra mà không đưa ra kết luận về lý do tại sao cậu bé lại tự kết liễu cuộc đời mình. Tháng 2-2012, cha mẹ của nạn nhân nộp đơn kiện 3 học sinh cùng lớp, phụ huynh của họ và chính quyền thành phố. Sau đó, thành phố Otsu đã thành lập hội đồng điều tra độc lập và cuối cùng kết luận rằng bắt nạt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tự tử. Thành phố này đã bồi thường 13 triệu yên cho cha mẹ nạn nhân vào năm 2015. Trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 2-2019, chủ tọa phiên tòa Shigeyasu Nishioka của Tòa án TP Otsu đã ra phán quyết rằng bắt nạt là nguyên nhân chính đằng sau vụ tự tử. Hai nam sinh phải trả khoản tiền bồi thường 37,5 triệu yên. Nam sinh còn lại không có nghĩa vụ bồi thường vì mức độ tham gia ít. Tòa cũng miễn trách nhiệm cho cha mẹ các học sinh này vì cho rằng họ không vi phạm nghĩa vụ đôn đốc con mình. Chia sẻ với các phóng viên, cha của nạn nhân nói:“Đó là một chặng đường dài. Tôi nghĩ phiên tòa này không chỉ dành cho con trai tôi mà còn cho tất cả những ai bị bắt nạt”.
Vụ việc này cũng đã thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Phòng, chống BNHĐ vào năm 2013. Luật yêu cầu tất cả các trường phải đưa ra hướng dẫn phòng, chống và biện pháp phát hiện sớm các trường hợp bị bắt nạt. Giáo sư Daisuke Fujikawa của Đại học Chiba cho biết, hiện nay, dù nhiều giáo viên có đã nhận thức tốt hơn về vấn đề này nhưng vẫn còn nhiều trường phản ứng chậm sau khi phát hiện các vụ bắt nạt. Theo ông, các giáo viên chủ nhiệm cần phải có hành động nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết triệt để vấn đề này.
Không thể phủ nhận lợi ích vô cùng to lớn mà AI mang lại cho cuộc sống của nhân loại hiện nay. Dù vậy, trong cuộc chiến chống lại vấn nạn BNHĐ, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các chuyên gia tâm lý nhận định, nếu không can thiệp kịp thời, BNHĐ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai của học sinh cũng như gây hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho các em. Đừng để BNHĐ cướp mất giấc mơ, cuộc sống của những đứa trẻ!
THÙY LINH