Ngày 16-3, báo The Times cho biết, hơn 35 quốc gia đã đồng ý cung cấp vũ khí, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và tình báo cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Cũng theo nguồn tin này, Anh đang xem xét điều động hàng nghìn binh sĩ tới Ukraine để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây, giám sát lệnh ngừng bắn giữa Moscow và Kiev trong tương lai.
 |
Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 15-3 từ điểm cầu London. Ảnh: CGTN |
Theo nguồn tin trên, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nêu đề xuất này tại cuộc họp trực tuyến ngày 15-3 với các nhà lãnh đạo của hơn 20 quốc gia, bao gồm Ukraine, Australia, Canada, New Zealand, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đại diện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)..., nhưng không có Mỹ.
Tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Starmer cho biết, hàng chục quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey sẽ gặp gỡ các chỉ huy quân sự tại London để thảo luận chi tiết về quy mô lực lượng và thời gian triển khai.
Theo The Times, lực lượng này có thể lên tới 30.000 quân, trong đó Anh và Pháp đóng góp phần lớn. Một quan chức cấp cao giấu tên nhấn mạnh rằng, việc triển khai quân của Anh sẽ không bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, Thủ tướng Starmer khẳng định rằng quân đội chỉ được triển khai sau khi Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình, nhiệm vụ chính của họ là giám sát và duy trì thỏa thuận này.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc phương Tây đưa quân đến Ukraine. Ngày 16-3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc NATO triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" đến Ukraine sẽ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và liên minh này. Phía Nga đề xuất giải pháp khả thi là cử phái đoàn quan sát viên không vũ trang hoặc một nhóm giám sát dân sự để giám sát thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Đáng chú ý, Moscow cũng nhắc lại yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine làm thành viên và Kiev phải duy trì vị thế trung lập.
 |
Lực lượng quân đội Anh và 8 quốc gia khác tham gia cuộc tập trận Steadfast Dart 2025 của NATO tại Bulgaria, tháng 2-2025. Ảnh: RT |
Hiện Mỹ và Nga đang nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Ukraine. Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 18-3. Ông Trump tiết lộ cuộc điện đàm này sẽ xem xét liệu có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine hay không. Bên cạnh đó, vấn đề lãnh thổ và nhà máy điện hạt nhân sẽ là một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận nhằm chấm dứt xung đột.
Những dấu hiệu tích cực trong một mối quan hệ Nga-Mỹ đang khiến các đồng minh châu Âu lo ngại khả năng họ bị gạt ra ngoài trong tiến trình tìm kiếm thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, việc Anh, Pháp cùng các quốc gia châu Âu khác sốt sắng lên kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine cho thấy họ muốn đóng vai trò chủ động hơn trong cấu trúc an ninh khu vực và muốn chứng minh khả năng, trước hết là nhiệm vụ bảo vệ Ukraine và sau đó là bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, đối với Nga, điều này đồng nghĩa với “lằn ranh đỏ” và nếu phương Tây cố tình vượt qua, Moscow sẽ coi đó là hành động khiêu khích và có thể dẫn đến leo thang xung đột.
GIA HUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.