Trước đó một ngày, hãng tin AFP cho biết Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã thông qua các phần chính trong dự luật gây tranh cãi do Tổng thống Macron đề xuất. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của các công dân Pháp sẽ tăng từ 62 lên 64 tuổi. Đây cũng là phần quan trọng nhất của dự luật đã được Hội đồng Hiến pháp thông qua với lý do điều này phù hợp với luật pháp hiện hành của Pháp. Tuy nhiên, 6 nội dung khác, trong đó có nỗ lực buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và một ý tưởng nhằm tạo ra hợp đồng đặc biệt cho những người lao động lớn tuổi, đã bị bác bỏ.
Chính phủ Pháp lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết để duy trì hệ thống lương hưu khi dân số già đi, trong khi những người phản đối cho rằng điều này sẽ đe dọa mạng lưới an sinh xã hội của Pháp.
 |
Những người phản đối luật cải cách hưu trí tập trung trước Tòa thị chính Paris vào ngày 14-4. Ảnh: Reuters |
Việc Hội đồng Hiến pháp của Pháp thông qua dự luật được xem là một chiến thắng dành cho Tổng thống Macron, nhưng các nhà phân tích nhận định rằng ông Macron cũng phải trả giá đắt về mức tín nhiệm do kế hoạch cải cách hưu trí mà ông đề ra đã gây ra tình trạng đình trệ tại Pháp trong nhiều tháng qua. Bằng chứng là kể từ khi kế hoạch cải cách chế độ hưu trí được công bố hồi đầu năm nay, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công, thu hút hàng triệu người trên khắp nước Pháp tham gia. Ngày 13-4 vừa qua, tức là chỉ một ngày trước khi Hội đồng Hiến pháp ra phán quyết về kế hoạch này, gần 400.000 người đã tham gia cuộc tổng đình công toàn quốc lần thứ 12 để phản đối. CGT, nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp thì cho rằng số người tham gia đình công có thể vượt 1 triệu người. Nguy cơ xảy ra bạo lực không chỉ xuất hiện ở thủ đô Paris mà còn tại nhiều thành phố lớn khác, buộc chính quyền các địa phương phải tăng cường giám sát an ninh tại những địa điểm quan trọng như bến tàu, cảng biển, cơ sở năng lượng, khai khoáng...
Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, các cuộc đụng độ đã nổ ra ngay tại thủ đô Paris sau khi hàng chục nghìn người xuống đường phản đối kế hoạch cải cách hưu trí.
Trên thực tế, ban đầu hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên căng thẳng sau khi Chính phủ Pháp vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí tại Hạ viện mà không cần các nghị sĩ bỏ phiếu.
Theo Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, không có người chiến thắng trong vấn đề cải cách hưu trí ở Pháp, vốn dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội được coi là tồi tệ nhất tại đất nước hình lục lăng trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt tiết lộ luật cải cách hưu trí mà Tổng thống Macron vừa ký ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9 tới. Tương tự, Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron từng nói rằng, ông muốn luật này được thực thi từ cuối năm nay.
Mặc dù dự luật cải cách hưu trí mới đã được Tổng thống Macron đặt bút ký thành luật, song truyền thông Pháp cũng như quốc tế dự báo làn sóng phản đối cải cách hưu trí ở nước này sẽ chưa chấm dứt ngay lập tức.
ANH VŨ