Phát biểu tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích những gì mà ông cho là thuế nhập khẩu “cao hơn nhiều” đối với hàng hóa từ Mỹ so với mức thuế mà nền kinh tế lớn nhất thế giới áp dụng đối với hàng hóa các nước xuất khẩu vào xứ cờ hoa.

Động thái áp thuế mới của chính quyền Mỹ phản ánh nỗ lực của ông Donald Trump nhằm áp đặt những thay đổi sâu rộng đối với các thỏa thuận thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ. Mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các thực thể nước ngoài bán nhiều hàng hóa cho Mỹ hơn là mua. Washington kỳ vọng các quốc gia khác sẽ hạ thuế quan và các rào cản thương mại khác mà họ cho là đã dẫn đến mất cân bằng thương mại 1.200 tỷ USD vào năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về chính sách thuế mới. Ảnh: Reuters 

Theo biểu đồ mức thuế đối ứng được ông Donald Trump giơ cao khi phát biểu tại Nhà Trắng, Mỹ sẽ áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.  Nhóm các nước khác chịu mức thuế 10% gồm có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.

Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 3-4 đã mô tả mức thuế quan của Mỹ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới và cho biết EU đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó nếu các cuộc đàm phán với Washington thất bại. Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng cho biết EU sẽ làm mọi cách có thể "để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại làm suy yếu phương Tây”.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bảo đảm rằng châu Âu sẽ phản ứng "theo cách thống nhất, mạnh mẽ và phù hợp". Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh những mức thuế quan mới này "là một đòn tấn công vào trật tự thương mại vốn tạo ra sự thịnh vượng trên toàn thế giới". Tuy nhiên, ông Scholz cũng tái khẳng định sẵn sàng thảo luận với Washington và mong muốn "tránh cuộc chiến thương mại với Mỹ".

Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Trung Quốc kiên quyết phản đối quyết định áp thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto cùng ngày nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á này. Bộ trưởng Muto cho biết, trong cuộc họp trực tuyến trước đó cùng ngày, ông đã nói rõ quan điểm của phía Nhật Bản với người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick rằng kế hoạch thuế quan mới là "điều đáng tiếc" và "sẽ khiến các công ty khó đầu tư vào thị trường Mỹ", cũng như gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Mỹ.

Riêng đối với ASEAN, những tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ được dự báo sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Giáo sư Phar Kim Beng, chuyên gia về ASEAN, thuộc Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), nhận định các mức thuế đối ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

BẢO CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.