Gương mặt thay thế
Ông R.Ha-uốt sinh ra tại Newport, Rhode Island nhưng lại lớn lên tại I-ran do cha ông, một đại tá Hải quân Mỹ, đóng quân tại đây với vai trò là cố vấn cho quân đội I-ran. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Tehran Mỹ-một trường học thuộc Đại sứ quán Mỹ tại I-ran. Sau đó, ông quay trở lại Mỹ và theo học tại Học viện Hải quân Mỹ.
Ông R.Ha-uốt từng là Phó đô đốc trong lực lượng Đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ và là Phó tổng Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ dưới quyền ông G.Mát-tít (James Mattis) - người hiện là Bộ trưởng Quốc phòng. Từng là Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ (George W.Bush) và phụ trách Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, ông Ha-uốt được cho là đặc biệt có kinh nghiệm về lĩnh vực chống khủng bố. Sau 40 năm cống hiến cho Hải quân Mỹ, ông Ha-uốt nghỉ hưu vào năm 2013 và được mời làm Giám đốc Điều hành chi nhánh tại UAE của Lockheed Martin-Tập đoàn Quốc phòng hàng đầu Mỹ.
Trước khi có thông tin chính quyền Tổng thống Trăm có thể chọn ông R.Ha-uốt làm Cố vấn An ninh Quốc gia, tờ Guardian đã nêu 3 cái tên nổi bật nhất hiện nay được cho là đủ khả năng đảm nhận trọng trách mà ông Phơ-lin để lại. Đó là Tướng Ken-lóc, Tướng Đ.Pi-tra-ớt (David Petraeus-cựu Giám đốc CIA) và ông R.Ha-uốt. Hiện chưa rõ ông R.Ha-uốt đã chấp thuận đề nghị của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm hay chưa. Trong khi đó, Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận chính thức.
Cố vấn An ninh Quốc gia có vai trò gì?
Theo định nghĩa được đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia, tên đầy đủ là Trợ lý Tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia (Assistant to the President for National Security Affairs - APNSA), là một vị trí cố vấn cấp cao thuộc văn phòng Tổng thống, đóng vai trò tham mưu chủ lực cho Tổng thống trong các quyết định liên quan đến an ninh nước Mỹ.
Vai trò và tầm ảnh hưởng của APNSA thay đổi tùy theo cá nhân nắm giữ cương vị này cũng như chính phủ cầm quyền, song nhìn chung APNSA luôn được coi là quân sư, là "cánh tay nối dài" của Tổng thống Mỹ trong các vấn đề an ninh quốc gia. Lý do là bởi, khác với các vị trí như Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Ngoại giao cần được Quốc hội thông qua khi bổ nhiệm, Tổng thống được phép trực tiếp chọn APNSA theo ý mình mà không cần sự cho phép của nhánh lập pháp. Do đó, APNSA thân cận với Tổng thống hơn, đồng thời cũng không bị ràng buộc bởi những lợi ích riêng như hai Bộ trưởng nói trên.
Bên cạnh việc tham mưu cho Tổng thống, APNSA cũng góp mặt trong các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), thay mặt Tổng thống chủ trì các cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao. Về mặt lý thuyết, APNSA là một vị trí thuộc văn phòng Tổng thống, do đó không có thẩm quyền đối với Bộ Quốc phòng và Ngoại giao thuộc chính phủ, song vì thân cận với Tổng thống, APNSA vẫn có thể đưa ra những lời khuyên về chính sách cho lãnh đạo hai bộ này.
Tờ New York Times nhận định việc ông M.Phơ-lin từ chức sau ba tuần trong nhiệm kỳ Tổng thống Trăm đã làm rõ thêm cuộc khủng hoảng toàn diện đang diễn ra tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Mỹ. Theo tờ này, ngoài những vấn đề liên quan tới mối quan hệ với Nga, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề đang diễn ra tại NSC, cơ quan đầu não giúp Tổng thống Mỹ xử lý các vấn đề trong một thế giới đầy bất định. Có nguồn tin cho hay, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã từng lo ngại về việc liên lạc vô giới hạn với Tổng thống Trăm từ thời tranh cử đang bị thu hẹp và về một "hội đồng bóng tối" được tạo ra bởi X.Ban-nơn (Stephen K.Bannon), chiến lược gia hàng đầu của ông Trăm, người được mời tham dự các cuộc họp của nhóm nòng cốt NSC cách đây hai tuần. Vì thế, thách thức dành cho người thay thế ông Phơ-lin sẽ không hề nhỏ.
NSC là nơi tập hợp hàng trăm công chức, những người tư vấn cho tổng thống về chính sách chống khủng bố, chính sách đối ngoại, răn đe hạt nhân và các vấn đề khác về chiến tranh và hòa bình. Mỗi NSC mới đều có khoảng thời gian thử nghiệm nhiều dao động với các nhân viên được tuyển về từ Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc cũng như các cơ quan nhà nước khác. Trong khi đó, thông tin về hoạt động bên trong NSC mà New York Times có được dựa trên các cuộc trò chuyện với hơn 20 thành viên của cơ quan này (trước đây và hiện tại cũng như những người khác trong chính phủ) cho hay, những gì đang xảy ra tại Nhà Trắng của Tổng thống Trăm thì hoàn toàn khác, không chỉ vì "chính sách đối ngoại Twitter" của tân Tổng thống. Trong hơn ba tuần kể từ khi ông Đ.Trăm nhậm chức, việc làm của nhân viên NSC sau khi thức dậy vào buổi sáng là lướt qua Twitter của ông và cố đưa ra các chính sách phù hợp với những gì ông viết. Hai quan chức cho biết tại một cuộc họp gần đây, vài người đề nghị rằng nên đưa ra gợi ý cho Tổng thống Đ.Trăm về nội dung ông viết trên Twitter để NSC có quyền ảnh hưởng lớn hơn. “Cho đến nay, đây là một Hội đồng An ninh Quốc gia bị rối loạn chức năng nặng”, nghị sĩ A.Síp (Adam B.Schiff) của bang Ca-li-phoóc-ni-a, thành viên cấp cao thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
NGỌC HÀ