Đăng tải thông điệp trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Isaac Herzog cảnh báo: “Mối lo ngại sâu sắc đang bao trùm toàn bộ quốc gia. An ninh, kinh tế-xã hội đều đang đứng trước nguy cơ”.

Lời kêu gọi của Tổng thống Isaac Herzog được đưa ra sau khi hơn 600.000 người xuống đường biểu tình tối 26-3 ở thành phố Tel Aviv và Jerusalem phản đối kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp của chính phủ. Những người biểu tình chặn đường cao tốc và bao vây Dinh Thủ tướng, buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng để giải tán đám đông.

leftcenterrightdel
Người biểu tình đốt lửa trên đường cao tốc tại Tel Aviv. Ảnh: Reuters

Trong nhiều tháng qua, Israel liên tục chứng kiến các làn sóng biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp mới của nội các Thủ tướng Netanyahu. Theo những cải cách mới, chính phủ sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế tầm ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán. Những thay đổi sẽ không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua, kể cả khi những luật này là vi hiến. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61/120 phiếu. Thủ tướng Netanyahu và những người ủng hộ nói rằng, những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị.

Ở hướng ngược lại, những người phản đối lo ngại đề xuất cải cách sẽ làm suy yếu và chính trị hóa hệ thống pháp luật. Nhiều chính trị gia thuộc phe đối lập gọi đây là mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel. Nếu dự luật được thông qua sẽ trở thành công cụ để chính phủ vô hiệu hóa nhiều quyết định của tòa án, ảnh hưởng tới tính công bằng, sự độc lập cần có của tòa án.

Ngoài ra, các quan chức kinh tế và tài chính hàng đầu bao gồm: Thống đốc Ngân hàng Israel, giám đốc điều hành của các ngân hàng trong nước, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính... đã cảnh báo, kế hoạch này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant-thành viên cấp cao trong Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu-là quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ Israel công khai kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách tư pháp. Ông nhấn mạnh: “Sự chia rẽ ngày càng sâu rộng đang diễn ra ngay trong quân đội và các tổ chức quốc phòng. Đây là một mối nguy hiểm rõ ràng, trước mắt đối với an ninh của Israel”. Tuy nhiên, ngày 26-3, chỉ một ngày sau khi đưa ra lời phản đối, ông Gallant đã bị Thủ tướng Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng. Động thái này được coi là một dấu hiệu cho thấy liên minh của ông Netanyahu đang cố gắng thúc đẩy các dự luật cải cách quan trọng dự kiến sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Gallant bị cách chức, làn sóng biểu tình tại Israel bùng phát mạnh mẽ. Tổng Liên đoàn Lao động Israel ngày 27-3 đã kêu gọi tổng đình công lớn trên cả nước nhằm phản đối chính phủ cải cách tư pháp, khiến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội ở nước này bị đình trệ. Viết trên mạng xã hội Twitter, cựu Thủ tướng Naftali Bennett nhận định, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã đẩy quốc gia này tới chỗ nguy hiểm chưa từng có kể từ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nir Barkat, Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao Miki Zohar và Bộ trưởng Các vấn đề về người di cư và bình đẳng xã hội Amichai Chikli-đều là những thành viên của Đảng Likud-cũng đề nghị Thủ tướng Netanyahu nên tạm dừng dự luật cải cách tư pháp, cảnh báo kế hoạch này đang đưa đất nước đến bờ vực nội chiến.

NGỌC HÂN