Trò chuyện với ông Giô-dép Blơ-tông

Trong tâm trạng vừa háo hức, vừa bâng khuâng, xao động, tôi lên tham quan Đồi A1- nơi từng diễn ra trận đánh giằng co quyết liệt nhất giữa quân ta và quân xâm lược Pháp. Đang đi trên đồi, tôi gặp hai người nước ngoài (một nam, một nữ, độ tuổi khoảng 60) miệng nói xì xồ, tay chỉ trỏ vào một hố rộng, sâu, xung quanh còn nham nhở tuếch toác. Hai người tỏ ra rất ngạc nhiên về cái hố này. Người phiên dịch hỏi: “Ông bà có biết hố này là gì không?”. Hai người đều lắc đầu. Người phiên dịch nói: “Cách đây 55 năm, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho điểm hỏa quả bộc phá nặng gần 1.000kg tại vị trí này, làm cho toàn bộ lòng chảo Điện Biên rung chuyển, khiến quân địch vô cùng bất ngờ. Đó là một trong những kỳ tích góp phần làm nên đại thắng Điện Biên Phủ”. Hai người khách nhìn nhau, im lặng không nói câu gì. Qua trò chuyện, tôi được biết đó là vợ chồng ông bà Giô-dép Blơ-tông, khách du lịch Pháp lên thăm Điện Biên Phủ.

Tôi hỏi Giô-dép Blơ-tông:

- Ông có cảm nghĩ gì khi đặt chân lên mảnh đất một thời đầy khói lửa này?

Nghĩ ngợi chốc lát, ông Giô-dép Blơ-tông nói:

- Trước khi sang thăm Việt Nam, tôi đã nung nấu ý định là phải lên thăm bằng được vùng đất Điện Biên. Bây giờ, ý định đó đã hiển hiện ngay trước mắt. Tôi không phải là nhà chính trị, cũng không thích nói chuyện chính trị. Nhưng vì bạn hỏi, tôi cũng muốn nói thật là: Chọn Điện Biên Phủ để xây dựng thành cứ điểm mạnh nhằm khống chế toàn bộ chiến trường Tây Bắc và vùng Thượng Lào là sai lầm của các nhà lãnh đạo và nhà cầm quân Pháp hồi đó. Qua sử sách ghi lại, tôi biết ông Hồ Chí Minh đã từng gặp các nhà lãnh đạo Pháp để mong tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Nhưng vì các nhà lãnh đạo Pháp đã “bỏ ngoài tai” những lời lẽ chân thành, hướng thiện của ông Hồ Chí Minh nên đã phải trả giá đắt bằng sự thất bại ở Điện Biên Phủ. Tôi cho rằng, phần thắng thuộc về những người chiến đấu vì chính nghĩa là lẽ công bằng của lịch sử.

Qua phong cách nói năng, ông Giô-dép Blơ-tông tỏ ra khá hiểu biết về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Dù không muốn “nói chuyện chính trị”, nhưng suy nghĩ của ông không hề “đứng ngoài chính trị” khi ông bảo: “Chiến tranh đã đi vào quá khứ lâu rồi. Chúng ta không nên nhắc lại nhiều. Tôi mong muốn, người Việt Nam và người Pháp trở thành người bạn tốt của nhau để hướng tới tương lai tươi đẹp hơn”. Nói rồi, ông Giô-dép Blơ-tông niềm nở, thân mật bắt tay tôi để tiếp tục đi tham quan các di tích lịch sử trên đồi A1.

Viết đến đây, tôi lại nhớ về một sự kiện cách nay 16 năm. Đầu năm 1993, Tổng thống đương nhiệm nước Cộng hòa Pháp lúc đó là Phrăng-xoa Mít-tơ-răng trong cuộc đi thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, đã lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Đứng chân trên mảnh đất chiến trường xưa, ông tỏ ý “lấy làm tiếc” khi người Pháp đã từng xâm chiếm Việt Nam và muốn biến lòng chảo Điện Biên Phủ thành “cối xay thịt quân cộng sản Việt Minh”. Dùng từ “lấy làm tiếc”, người đứng đầu Chính phủ Pháp muốn “ngầm ý” bày tỏ lời xin lỗi trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam về hành động xâm lược của thực dân Pháp cách đó gần 4 thập kỷ. Dù muộn màng, nhưng lời nói của Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Mít-tơ-răng đã thể hiện một cái nhìn đúng đắn và tỏ lòng khâm phục về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài và ảnh: THIỆN ANH