Ngày 25-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về ý tưởng “hộ chiếu miễn dịch” trong đó lưu ý rằng, hiện không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân Covid-19 phục hồi sức khỏe và có kháng thể sẽ không thể tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Khái niệm “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “chứng nhận không có rủi ro” được nêu lên như phương thức cho phép những người đã được bảo vệ khỏi tái nhiễm Covid-19 có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, trong thông cáo khoa học công bố ngày 25-4, WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “không có nguy cơ” cho những người từng mắc bệnh Covid-19 vì không thể bảo đảm chắc chắn điều này. WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch. Theo WHO, chính phủ một số nước đã đề xuất rằng việc phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 ở một người có thể coi là cơ sở để cấp "hộ chiếu miễn dịch" hoặc chứng nhận "thoát nguy cơ nhiễm". Theo đó, những người được chứng nhận có thể di chuyển hoặc trở lại làm việc vì cho rằng họ sẽ không tái nhiễm.
 |
Xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại Pháp. Ảnh: Getty.
|
Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi Chính phủ Chile tuyên bố sẽ bắt đầu trao “hộ chiếu miễn dịch” cho những người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Thứ trưởng Y tế Chile Paula Daza cho biết, một khi kết quả xét nghiệm cho thấy những người này đã phát triển các kháng thể giúp họ miễn dịch trước virus SARS-CoV-2, họ có thể ngay lập tức quay trở lại công việc. Hiện có hơn 4.600 người đủ điều kiện xin cấp loại giấy này ở Chile.
Ý tưởng “hộ chiếu miễn dịch” từng được nhắc đến hồi đầu tháng 4 khi Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đề xuất cấp một loại giấy chứng nhận cho những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Tại cuộc họp báo trên, ông Matt Hancock cho biết, với chứng nhận này, nhiều người lao động tại Anh có thể ngay lập tức quay trở lại làm việc bởi không còn lo ngại nguy cơ tái nhiễm Covid-19. Nhờ đó, nước Anh có thể từng bước gỡ bỏ các lệnh phong tỏa, khôi phục các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, Đức cũng xem xét cấp "hộ chiếu miễn dịch" cho những nhân viên y tế nhiễm Covid-19 nhưng đã được điều trị khỏi nhằm giúp họ được miễn trừ việc cách ly và các hạn chế khác. “Các nhân viên y tế, các tình nguyện viên trong cuộc chiến chống Covid-19 có thể được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng và như vậy, họ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm làm việc”, ông Gerard Krause, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học của Trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mang tên Helmholtz ở Braunschweig cho biết.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, các quốc gia không nên có hành động quá vội cấp “hộ chiếu miễn dịch” bởi lẽ những thông tin về khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 còn tương đối ít. Hàn Quốc là một ví dụ. Cho đến nay, quốc gia này đã ghi nhận 207 trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2, dù bệnh nhân trước đó được kết luận là bình phục. Các chuyên gia y tế hiện đang điều tra nguyên nhân của tình trạng tái nhiễm Covid-19. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong, virus SARS-CoV-2 có thể được tái hoạt động bên trong cơ thể của người bệnh chứ không phải họ bị lây lại từ người khác. Trong khi đó, hầu hết nghiên cứu cho thấy những người nhiễm Covid-19 đã bình phục có các kháng thể đối với virus này. Tuy nhiên, một số người có hàm lượng kháng thể trong máu rất thấp, cho thấy miễn dịch tế bào có thể cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự bình phục của bệnh nhân. WHO cho biết sẽ tiếp tục xem xét bằng chứng về các phản ứng kháng thể đối với virus SARS-CoV-2.
BÌNH NGUYÊN