Theo Sputnik, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tin vui với BRICS vì hồi năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xếp hạng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ 17 thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, trung bình đạt 5,4%/năm trong giai đoạn 2002-2022 và tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ mức hơn 20% vào năm 2007 xuống còn 7,6% vào năm 2021.
Sputnik cho rằng với vị trí chiến lược (nối liền hai châu lục Á và Âu, nằm giữa các vùng biển lớn như Địa Trung Hải, Biển Đen), Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một "trung tâm hậu cần tự nhiên" cho vận tải hàng hóa giữa Nam và Bắc bán cầu. Thêm vào đó, tầm ảnh hưởng đáng kể của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Trung Đông và châu Phi cũng sẽ mang lại lợi ích cho BRICS. Ở chiều ngược lại, việc tiếp cận tốt hơn thị trường các nước thành viên BRICS có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các vấn đề kinh tế của riêng mình.
|
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) cùng lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi, tháng 7-2018. Ảnh: Anadolu Agency
|
Theo AFP, ngày 3-9 vừa qua, ông Omer Celik, phát ngôn viên Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo Ankara đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. "Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nêu rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia tất cả các nền tảng quan trọng, trong đó có BRICS", ông Omer Celik phát biểu với báo giới. Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov sau đó cũng xác nhận đơn của Thổ Nhĩ Kỳ đang được BRICS xem xét.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập BRIC vào năm 2001. Đến năm 2010, Nam Phi gia nhập, đưa khối này trở thành BRICS. Hồi đầu năm nay, Ai Cập, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia cũng đã trở thành thành viên đầy đủ của BRICS. Theo France 24, số lượng các quốc gia "xếp hàng" chờ gia nhập BRICS đang không ngừng tăng lên. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, có gần 20 quốc gia khác đã nộp đơn xin tham gia BRICS.
AFP cho biết, nếu đơn của Thổ Nhĩ Kỳ được BRICS chấp thuận, nước này sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia một tổ chức vốn đang được xem là đối trọng với phương Tây. Bình luận về động thái gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định BRICS không có quy định nào cấm thành viên các tổ chức khác có mối quan hệ với khối.
AFP lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia BRICS trong bối cảnh nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đến nay chưa mang lại kết quả. Thổ Nhĩ Kỳ được EU trao quy chế ứng cử viên vào năm 1999, chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập khối từ năm 2005, song tiến trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2018.
Chuyên gia Asli Aydintasbas tại Viện Brookings (Washington, Mỹ) đánh giá việc Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS là động thái mà "cộng đồng xuyên Đại Tây Dương cần phải chú ý". "Thổ Nhĩ Kỳ không muốn rời NATO, không từ bỏ nỗ lực gia nhập EU nhưng vẫn muốn đa dạng hóa các liên minh của mình. Thổ Nhĩ Kỳ không còn coi tư cách thành viên NATO là yếu tố duy nhất định hướng chính sách đối ngoại", France 24 dẫn lời chuyên gia Asli Aydintasbas. Trong khi đó, chuyên gia Michel Duclos tại Viện Montaigne (Paris, Pháp) cho rằng việc một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập BRICS là chưa từng có tiền lệ, song lại không trái với các quy tắc của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.
Trên thực tế, hôm 31-8 vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành "một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và được tôn trọng" nếu Ankara có thể phát triển đồng thời quan hệ với phương Đông và phương Tây. Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định không coi BRICS là phương án thay thế các tổ chức khác và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là ứng viên gia nhập EU.
AFP cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ từng tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi năm 2018. Theo Tân Hoa xã, Ankara cũng có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Nga vào tháng 10 tới đây.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.