Ngày 4-3, IAEA và Iran đã ra một tuyên bố chung về chuyến thăm của ông Rafael Grossi tới Tehran. Theo đó, hai bên đã tập trung thảo luận hai nội dung quan trọng, gồm làm rõ thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran và thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ. Trước đó, một báo cáo bí mật bị rò rỉ của IAEA cho hay, Iran đang sở hữu nguyên liệu urani đã được làm giàu 83,7%-mức rất gần với năng lực sản xuất bom nguyên tử-tại Nhà máy làm giàu hạt nhân Fordow dưới lòng đất, cách thủ đô Tehran khoảng 100km về phía Nam. Tehran đã lên tiếng phủ nhận nguồn tin và khẳng định, mức độ làm giàu urani của nước này chỉ là 60% và rằng chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn vì mục đích hòa bình và họ không tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

leftcenterrightdel
Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi (thứ hai, bên trái) và Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi (thứ ba, từ trái sang) tại Tehran, ngày 4-3. Ảnh: AP 

 

Tuyên bố sau cuộc gặp với Tổng thống Ebrahim Raisi và các quan chức cấp cao của Iran, Tổng giám đốc IAEA cho biết, kết quả đạt được rất đáng khích lệ, khi Iran cam kết hợp tác sâu rộng với IAEA và cho phép kết nối trở lại các máy quay giám sát tại một số địa điểm hạt nhân cũng như tăng cường tốc độ thanh sát. “Trong vài tháng qua, một số hoạt động giám sát liên quan đến camera và các thiết bị khác đã bị giảm bớt... Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng sẽ hoạt động trở lại”, ông Grossi nói với phóng viên Al Jazeera khi trở về Vienna (Áo), nơi có trụ sở chính của IAEA.

Đây là một tín hiệu tích cực làm lóe lên hy vọng “hồi sinh” các vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vốn lâm vào bế tắc thời gian qua. Iran cùng các cường quốc thế giới đã ký JCPOA vào tháng 7-2015, theo đó, Tehran chấp nhận một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, khiến Iran cũng cắt giảm một số cam kết của nước này trong thỏa thuận. Các vòng đàm phán nhằm khôi phục JCPOA được nối lại từ tháng 4-2021 và gần nhất là tháng 8-2022, song vẫn không đem lại kết quả.

Chuyến thăm Iran của Tổng giám đốc IAEA diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc họp hàng quý của Hội đồng Thống đốc IAEA vào hôm nay (6-3), thời điểm mà Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể theo đuổi một nghị quyết khác để chỉ trích Iran. Washington cho biết, kết quả chuyến thăm sẽ là căn cứ để Hội đồng Thống đốc IAEA xem xét ra quyết định tiếp theo. Chưa rõ liệu Mỹ có thể “một tay che kín bầu trời” hay không, khi mà chính Tổng giám đốc IAEA đã tuyên bố, IAEA phản đối bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân và nhà máy điện tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, đồng thời khẳng định IAEA đã và sẽ không bị sử dụng làm công cụ phục vụ mưu đồ chính trị.

Còn người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami thì cho biết, Tehran sẽ công bố phản ứng nếu các nước phương Tây tham gia thỏa thuận hạt nhân bỏ phiếu thông qua một nghị quyết tiếp theo nhằm chỉ trích Iran, bởi theo ông, Iran có đầy đủ thiện chí hợp tác mang tính xây dựng với cơ quan của Liên hợp quốc, song sẽ “không bao giờ hy sinh lợi ích quốc gia của mình vì bất kỳ điều gì khác”.

Trên thực tế, bất chấp nỗ lực của các bên nhằm khôi phục những cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, mới đây, Mỹ đã áp đặt một đợt trừng phạt mới với Iran, nhắm mục tiêu vào doanh số bán dầu và các sản phẩm hóa dầu của nước này. Mối quan hệ Mỹ-Iran hiện đã trở nên phức tạp hơn bởi các cuộc biểu tình ở Iran và cáo buộc Tehran cung cấp UAV cho Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Iran cáo buộc Mỹ thiếu thiện chí trong các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân và luôn vin vào vấn đề hạt nhân như một cái cớ để gây thêm áp lực lên người dân Iran.

HÀ PHƯƠNG