Một trong những động thái đáng chú ý đó là quân đội Thụy Sĩ sẽ tham gia 20 cuộc tập trận bên ngoài lãnh thổ và 4 cuộc tập trận ở Thụy Sĩ. Tất cả đều có sự tham gia của các nước thành viên NATO. Đây là thông tin trong tài liệu chương trình tập trận vừa được Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ công bố.

leftcenterrightdel

Các binh sĩ Thụy Sĩ thực thi nhiệm vụ. Ảnh minh họa: vtg.admin.ch 

 

Theo đó, quân đội Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tham gia 24 cuộc tập trận vào năm nay, bao gồm 6 cuộc tập trận trong khuôn khổ quan hệ đối tác vì hòa bình, 18 cuộc tập trận ở cấp độ song phương với một số quốc gia bao gồm 4 cuộc ở Thụy Sĩ và 14 cuộc ở nước ngoài. Ngoài ra, quân đội Thụy Sĩ sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia, Mỹ, Canada, Phần Lan và Cyprus. Năm 2023, Thụy Sĩ tham gia 10 cuộc tập trận ở các nước NATO. Con số này tăng gấp đôi vào năm 2024.

Thụy Sĩ cũng cho thấy sự gia tăng đầu tư cho quốc phòng với việc Bộ trưởng Quốc phòng Viola Amherd mới đây đề nghị khoản ngân sách 4,9 tỷ franc (tương đương 5,5 tỷ USD) để tăng cường năng lực cho các lực lượng trong thời gian tới. Đây là những kế hoạch giúp định hướng phát triển lực lượng vũ trang đến năm 2035, bao gồm 3,52 tỷ franc cho quá trình mua sắm trang thiết bị cho lực lượng vũ trang giai đoạn 2024-2027, 490 triệu franc cho chương trình vũ khí năm 2024, 886 triệu franc để xây dựng các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Trước đó, Quốc hội Thụy Sĩ đã quyết định tăng ngân sách quân đội lên 1% GDP vào năm 2035.

Swissinfo cho biết, Bộ trưởng Amherd nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Quốc hội Thụy Sĩ nêu ra định hướng chiến lược dài hạn về năng lực của các lực lượng vũ trang. Theo đó, 10 lĩnh vực chiến lược đã được xác định gồm: Lãnh đạo và kết nối mạng; trí tuệ nhân tạo và cảm biến tích hợp; tác động chống lại các mục tiêu trên không; tác động chống lại các mục tiêu mặt đất; tác động trong không gian mạng và không gian điện từ; hậu cần, các hoạt động vận chuyển... Khoản ngân sách cam kết cho việc mua thiết bị quân sự hiện có thời hạn là 4 năm, trong đó khoản chi lớn nhất (2 tỷ franc) sẽ được dành cho việc mua sắm trực tiếp. Cũng trong hạng mục này, khoảng 800 triệu franc được dành cho nghiên cứu dự án, thử nghiệm và thủ tục mua sắm và 720 triệu franc được dành cho việc huấn luyện và quản lý đạn dược. Dự thảo chương trình vũ khí năm 2024 trị giá 490 triệu franc của Thụy Sĩ cho thấy các lực lượng bộ binh nước này sẽ được trang bị hệ thống tên lửa mới để chống lại các mục tiêu và công trình quan trọng ở tầm xa...

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn về tài chính, việc Thụy Sĩ tăng chi tiêu cho quốc phòng và thúc đẩy hợp tác với NATO đã gây nhiều chú ý. Nhất là khi Thụy Sĩ vẫn được biết tới là một quốc gia trung lập kể từ năm 1815. Nước này cũng không phải là thành viên của NATO hay Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, báo cáo chính sách đối ngoại năm 2024 của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nêu rõ nước này có ý định tăng cường hợp tác với NATO trong lĩnh vực chính sách an ninh và kế hoạch này là sự hiện thực hóa ý định trên.

Các cuộc xung đột vũ trang thời gian qua, nhất là cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Thụy Sĩ cùng nhiều nước châu Âu thay đổi mối quan tâm sau nhiều năm giảm quy mô của lực lượng vũ trang và tập trung các hoạt động thúc đẩy hòa bình. Thụy Sĩ chia sẻ quan điểm với các nước châu Âu rằng, châu Âu cần tăng cường năng lực quốc phòng trong thời gian tới trước những quan ngại về cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan tới tình hình địa chính trị ở châu Âu. Bộ trưởng Amherd tin rằng Thụy Sĩ cần rút ra những bài học và tăng cường khả năng quốc phòng. 

Quốc vụ khanh phụ trách chính sách an ninh, ông Markus Mäder nhấn mạnh Thụy Sĩ cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ở châu Âu, cụ thể trong việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa Thụy Sĩ với NATO, cũng như với các quốc gia đối tác ở châu Âu có vai trò quan trọng.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.