Kể từ tháng 3-2020, chính phủ Pakistan ra lệnh đóng cửa các trường học trên cả nước, chuyển sang học trực tuyến để phòng dịch. Theo Reuters, quyết định này lại khiến trẻ em ở những vùng nghèo, xa xôi bị cắt đứt với việc học tập do không được tiếp cận máy tính và Internet. Tình trạng này càng thể hiện rõ ở Balochistan, là tỉnh thưa dân và nghèo nhất Pakistan nhưng chiếm tới một nửa diện tích quốc gia Nam Á này.

 Trẻ em ra chào đón lạc đà Roshan. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh đó, bà Raheema Jalal, hiệu trưởng một trường trung học, đã nảy ra ý tưởng cho dự án “Thư viện lạc đà”. Bà Jalal hợp tác với hai tổ chức phi chính phủ chuyên thành lập thư viện cho trẻ em ở Pakistan. Đồng thời, bà tìm được chú lạc đà Roshan, vốn đang làm công việc chở củi khô. Loài động vật này là phương tiện chở hàng và người phổ biến ở Balochistan, có thể tiếp cận những khu dân cư hẻo lánh, thiếu đường cho xe cơ giới. Anh Murad Ali, chủ của Roshan đã vui vẻ nhận lời tham gia dự án thư viện, một phần vì công việc này đem lại thu nhập tương đương việc chở củi, nhưng lại đóng góp lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.

Cho đến nay, thư viện trên lưng Roshan đã tới được 4 ngôi làng. Roshan thăm mỗi làng 3 lần một tuần, mỗi lần kéo dài 2 giờ. Các em nhỏ có thể mượn sách mang về nhà, sau đó trả lại vào lần tiếp theo Roshan tới. Những độc giả nhí tỏ ra vô cùng thích thú mỗi lần thấy chú lạc đà xuất hiện, mang theo những quyển sách mà phải đến trường các em mới có thể đọc.

Bà Jalal kỳ vọng, trong tương lai, mô hình thư viện di động độc đáo này sẽ được nhân rộng và tiếp cận nhiều khu dân cư hơn, nhưng đang cần thêm kinh phí. Để đem lại niềm vui và tri thức cho trẻ em như hiện nay, cần khoảng 118USD hằng tháng để trả công cho “thư viện 4 chân” và người chăm sóc.

MINH TRÍ