Theo AFP, kể từ ngày 28-8 vừa qua, làm việc từ xa đã trở thành nghĩa vụ của một bộ phận công chức và học sinh ở Jakarta. Nguồn gốc của biện pháp này là mong muốn của chính phủ nhằm giảm mức độ ô nhiễm ở thủ đô trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan từ ngày 2 đến 7-9 tới. Chính quyền Jakarta khẳng định, biện pháp làm việc từ xa nhằm giảm lượng phương tiện lưu thông trên các trục đường huyết mạch của thủ đô, nơi mỗi ngày có hơn 24,5 triệu phương tiện đi qua.

leftcenterrightdel

Indonesia dùng xe điện phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 để tránh ô nhiễm. Ảnh: Antara News 

Ban đầu, nghĩa vụ này liên quan đến 50% công chức làm việc tại thủ đô, tức là khoảng 30.000 người. Trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 43, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến 75% công chức làm việc gần địa điểm tổ chức sự kiện. Ngoài ra, từ ngày 28-8 đến 7-9, một nửa số học sinh ở Jakarta sẽ học trực tuyến. Sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN 43 kết thúc, các công chức tiếp tục làm việc từ xa thêm một thời gian nữa, đến hết ngày 21-10.

Giải pháp chống ô nhiễm ở thủ đô được các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ cho rằng, biện pháp này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn và năng suất thấp hơn. Shinta W.Kamdani, Chủ tịch Hiệp hội các nhà tuyển dụng Indonesia (Apindo) cho rằng, biện pháp này “không bền vững và không giải quyết được hoàn toàn vấn đề ô nhiễm không khí ở Jakarta”. Do đó, song song với việc thiết lập chế độ làm việc từ xa bắt buộc, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra mức độ phát thải khí gây ô nhiễm của các phương tiện giao thông.

NGỌC MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.