6 giờ sáng, cậu bé Samuel Obini, 11 tuổi, người Ghana, được mẹ nhẹ nhàng đánh thức. Sau bữa sáng với món cháo ngô, Obini đến trang trại để giúp gia đình thu hoạch hạt cacao, vốn là nguyên liệu để làm ra các loại socola. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thực chất lại phạm pháp.

Bởi, khi thu hoạch cacao, Obini thực hiện những hành động nguy hiểm được nêu trong khuôn khổ hoạt động lao động trẻ em của Ghana, đó là sử dụng các dụng cụ sắc nhọn và làm việc mà không có quần áo bảo hộ cơ bản cho chân và cơ thể. Obini cũng chưa đủ 13 tuổi theo quy định của pháp luật đối với công việc được gọi là “nhẹ nhàng”.

Nếu công việc của Obini bị phát hiện, dĩ nhiên không một công ty socola nào của Thụy Sĩ muốn liên quan đến những hạt cacao mà cậu thu hoạch được, bởi như vậy sẽ “tiếp tay” cho việc sử dụng lao động trẻ em. Nên nhớ rằng, ngành công nghiệp socola bị ràng buộc bởi chính sách lao động trẻ em được ban hành từ Geneva (Thụy Sĩ), nơi đặt trụ sở của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo trang swissinfo.ch, Obini trên thực tế chỉ là nhân vật hư cấu dựa trên lời kể của các nhà quan sát và các tổ chức phi chính phủ ở Ghana. Thế nhưng, cái tên Obini vẫn được nêu ra như một ví dụ điển hình khi nhắc đến tình trạng lao động trẻ em đang diễn ra trên khắp thế giới.

Liên hợp quốc cho biết, mặc dù thế giới đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong việc giảm lao động trẻ em trong vòng hai thập kỷ tính từ năm 2000, song trong vài năm gần đây, xu hướng ấy lại bị đảo ngược. Xung đột, khủng hoảng và đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói và buộc thêm hàng triệu trẻ em phải lao động khi còn rất nhỏ.

Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc, đến nay, trên toàn thế giới vẫn còn 160 triệu lao động là trẻ em, tương đương gần 1/10 số trẻ em trên toàn cầu. Trong đó, châu Phi là nơi có số lao động trẻ em cao nhất (72 triệu), tiếp theo lần lượt là châu Á-Thái Bình Dương (62 triệu), châu Mỹ (11 triệu), châu Âu và Trung Á (6 triệu), các quốc gia Arab (1 triệu). Đáng chú ý, trung bình cứ 10 lao động trẻ em trên thế giới thì có 9 trẻ ở châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương. 

Nhấn mạnh những con số nêu trên là “hồi chuông cảnh tỉnh”, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn một thế hệ trẻ em phải đối mặt với nguy hiểm. Những con số đáng báo động được ghi nhận ở mọi ngõ ngách của thế giới cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh các hành động nhằm xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức. Nhưng để tạo ra một thế giới không có lao động trẻ em cần có sự chung tay, hợp tác của các chính phủ, người sử dụng lao động, các cộng đồng và cá nhân.

Cộng đồng quốc tế đã đưa ra cam kết xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025. Chủ đề của Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12-6) năm 2024 là “Hãy hành động theo cam kết của chúng ta: Chấm dứt lao động trẻ em”. Bây giờ là lúc biến mục tiêu ấy thành hiện thực!

Những thỏi socola sẽ chẳng còn giữ được vị ngọt ngào và mềm mại nếu người ta biết rằng, chúng được làm từ “tuổi thơ bị đánh cắp” của Obini và rất nhiều đứa trẻ đồng trang lứa.

CHÂU ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.