Tờ The Indian Express ngày 23-8 đưa tin, thông qua SOSA, Mỹ và Ấn Độ nhất trí dành sự hỗ trợ ưu tiên cho nhau theo nguyên tắc "có qua có lại" đối với các hàng hóa và dịch vụ liên quan tới quốc phòng. Thỏa thuận cho phép hai nước có được các nguồn lực công nghiệp quốc phòng mà họ cần ở nhau để ứng phó với tình huống gián đoạn chuỗi cung ứng bất ngờ nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh quốc gia. "Thỏa thuận cung ứng an ninh là thời khắc quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ", ông Vic Ramdass, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
|
|
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (bên trái) và người đồng cấp Lloyd Austin tại New Delhi, tháng 11-2023. Ảnh: ANI |
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố SOSA là cơ chế quan trọng để Lầu Năm Góc tăng cường khả năng phối hợp với các đối tác thương mại quốc phòng. Ấn Độ là đối tác SOSA thứ 18 của Mỹ sau Australia, Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Israel, Italy, Nhật Bản, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.
Washington và New Delhi ký SOSA nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Mỹ từ ngày 23 đến 26-8 theo lời mời của người đồng cấp Lloyd Austin. Tờ The Economic Times dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước và HTQP song phương không ngừng phát triển. Bộ Quốc phòng Ấn Độ kỳ vọng chuyến thăm sẽ làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa "quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện" giữa Ấn Độ và Mỹ. Theo Hindustan Times, phát biểu trước cộng đồng người Ấn Độ tại Washington, Bộ trưởng Rajnath Singh khẳng định Ấn Độ và Mỹ là các đối tác tự nhiên của nhau và hợp tác giữa hai nước góp phần đem lại hòa bình, thịnh vượng, ổn định cho thế giới. Thời gian qua, phía Mỹ cũng nhiều lần khẳng định mối quan hệ dựa trên tầm nhìn và các giá trị chung giữa Washington và New Delhi đang "tốt đẹp hơn bao giờ hết" và mối quan hệ này "không những sẽ tiếp tục giữ được đà mà còn tăng tốc". Mỹ khẳng định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng chính là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, quốc phòng là lĩnh vực hợp tác chứng kiến nhiều bước tiến nhất trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ thời gian qua. Trong hai thập niên trở lại đây, Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ và là đối tác tập trận quân sự lớn nhất của nước này. Hai bên đã ký các thỏa thuận để mở rộng khả năng Ấn Độ được tiếp cận các công nghệ quốc phòng quan trọng của Mỹ. Ngoài khuôn khổ song phương, Mỹ và Ấn Độ đều là những đối tác then chốt trong nhóm đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad).
Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết sự tương đồng về lợi ích và phải đối mặt với các thách thức chung đã đưa HTQP trở thành "động lực then chốt" trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6 năm ngoái đã tiếp thêm động lực cho HTQP song phương vốn đang phát triển rất nhanh chóng, được thể hiện qua các thỏa thuận "chưa từng có tiền lệ" liên quan tới hợp tác chế tạo động cơ phản lực F-414 và cung cấp các máy bay không người lái MQ-9B. "Quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ còn nhiều triển vọng", Trung tâm Stimson nhận định.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.