Theo RT, trước thềm chuyến thăm theo lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trên mạng xã hội X, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh: “Là một người bạn và đối tác, chúng tôi hy vọng hòa bình và ổn định sớm trở lại trong khu vực. Chuyến thăm của tôi tới Kiev sẽ là cơ hội để xây dựng giải pháp hòa bình dựa trên các cuộc thảo luận trước đó với ông Zelensky và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Ấn Độ-Ukraine”.

Chuyến thăm lần này đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 30 năm. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đây sẽ là chuyến thăm “mang tính bước ngoặt và lịch sử”. Tại cuộc họp báo về chuyến thăm, Vụ trưởng Vụ phương Tây của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Tanmaya Lal khẳng định, New Delhi có mối quan hệ thực chất và độc lập với cả Nga và Ukraine. Chuyến thăm này sẽ dựa trên sự hợp tác liên tục và lâu dài giữa Ấn Độ và Ukraine. “Hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các lựa chọn được cả hai bên chấp nhận. Về phần mình, Ấn Độ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên liên quan”, ông Tanmaya Lal cho biết.

Trước đó, ngày 20-8, ông Modi đã bắt đầu chuyến công du đến Ba Lan. Từ Ba Lan, ông Modi sẽ đi tàu đến Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine. Truyền thông Ấn Độ và Ukraine đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ có thể chỉ dành “vài giờ” ở Kiev vì lý do an ninh. Ông Modi, người luôn giữ thái độ cởi mở với cả giới lãnh đạo Nga và Ukraine, đã gặp ông Zelensky lần gần đây nhất bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại vùng Apulia, Italy vào tháng 6 vừa qua. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã khuyến khích giải quyết hòa bình căng thẳng giữa Moscow và Kiev thông qua đối thoại và ngoại giao. Đây là cách tiếp cận của New Delhi kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy vào tháng 6-2024. Ảnh: Hindustan Times

Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi diễn ra vài tuần sau chuyến thăm chính thức Nga trong hai ngày (8 và 9-7). Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, ông Modi cho biết không thể giải quyết xung đột ở Ukraine trên chiến trường và các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không thành công giữa bom đạn. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, New Delhi vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Moscow bất chấp áp lực từ phương Tây. New Delhi cũng không trực tiếp lên án Nga, thay vào đó ủng hộ đối thoại giữa hai bên.

Trong những tháng gần đây, Kiev đã nhiều lần tìm kiếm sự hỗ trợ của Ấn Độ trong vấn đề giải quyết xung đột với Nga. Vào tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ để khuyến khích New Delhi tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng 6. Dù tham gia hội nghị này, nhưng giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đã chọn không ký tuyên bố chung vì các cuộc thảo luận không có sự tham gia của Nga. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố việc tham gia hội nghị phù hợp với cách tiếp cận nhất quán của nước này nhằm tạo điều kiện giải quyết xung đột một cách hòa bình và lâu dài thông qua đối thoại và ngoại giao.

Các nhà phân tích tin rằng chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi sẽ giúp Ấn Độ duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại, đồng thời cũng sẽ tạo cơ hội cho New Delhi khuyến khích Kiev đàm phán hòa bình với Moscow. Ông Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ tại Myanmar và là thành viên tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Gateway House có trụ sở tại Mumbai, nhận định với hãng tin DW: “Nga là đồng minh truyền thống lâu đời và Ukraine cũng có quan hệ rất thân thiện với Ấn Độ. Đạt được sự cân bằng này là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây”. Theo ông Bhatia, New Delhi không lo ngại chuyến thăm Kiev có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.