QĐND Online - Mỹ và đồng minh tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới được cho là vô cùng khó khăn với kẻ thù là những kẻ khủng bố thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) có nhiều tiền, hoạt động tinh vi. Hà Lan công bố kết quả điều tra sơ bộ liên quan tới vụ MH17. Các bên liên quan tới tình hình Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, tuy nhiên, có thực thi đầy đủ đó hay chỉ lợi dụng để củng cố sức mạnh cho mỗi bên...vẫn còn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

1. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký giữa đại diện chính phủ Ukraine, Nga, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hoan ngênh thỏa thuận, đồng thời khích lệ tất cả các bên thể hiện thiện chí nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận.

Đại diện các bên tham gia tiến trình ký thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine. Ảnh: Kyevpost

Sau gần một tuần thực hiện thỏa thuận, đánh giá về việc thực thi, Chủ tịch Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Tomas Greminger nhận định: Về cơ bản, các bên tại Ukraine đã tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong chuyến thị sát thành phố cảng Mariupol, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đến phát biểu tại đây, Tổng thống Poroshenko tuyên bố không thể kết thúc cuộc xung đột ở miền Đông chỉ bằng các biện pháp quân sự.

Các chuyên gia quốc tế dự báo, thỏa thuận trên là bước đi đầu tiên, nhưng tình hình Ukraine sẽ còn phức tạp. Trong một diễn biến liên quan, cuộc tập trận Sea Breez-2014 với sự tham gia của tàu chiến Ukraine và NATO bắt đầu ngày 8-9 tại khu vực Tây Bắc Biển Đen. Về phía Ukraine cũng cử tàu chiến và tàu hậu cần, tàu biên phòng, các máy bay và máy bay lên thẳng phối hợp với phía NATO tham gia tập trận. Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố Kiev đã đạt thỏa thuận với một loạt nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cung cấp trực tiếp vũ khí hiện đại.

2. Quan hệ Nga – EU và Nga –NATO vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tại cuộc họp bất thường của đại sứ 28 quốc gia thành viên EU, ngày 8-9, EU đã nhất trí gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nếu EU thực thi các biện pháp trừng phạt mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevic nhấn mạnh: Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga là một chính sách hoàn toàn thù địch đối với Nga, đi ngược lại lợi ích của chính EU.

Các sĩ quan xuất hiện ngày càng nhiều ở Ukraine. Ảnh: RT

“Dọa” như vậy, nhưng rõ ràng khi mùa đông đang đến gần EU không thể không tính tới Nga với vai trò là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU. Ngày 20-9 tới đây, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cùng Ukraine và Nga tổ chức vòng đàm phán mới liên quan tới cuộc tranh cãi về giá khí đốt giữa Moskva và Kiev, tại Berlin (Đức).

Sau khi NATO tổ chức đưa tàu chiến, hàng nghìn binh lính tới Biển Đen và Ukraine để tập trận, nước Nga cũng đã có một vài cuộc tập trận tên lửa và lực lượng hạt nhân. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố nước này sẽ đáp trả chương trình “tấn công chớp nhoáng toàn cầu” của Mỹ nhằm tiêu diệt các mục tiêu trong vòng một giờ bằng việc nâng cấp các lực lượng hạt nhân và phòng thủ vũ trụ.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Rogozin khẳng định để đáp trả chiến lược tấn công chớp nhoáng toàn cầu (của Mỹ), Nga sẽ nâng cấp các lực lượng hạt nhân và các nguồn lực chiến lược, như lực lượng tên lửa và các lực lượng hải quân chiến lược, và phát triển các nguồn lực phòng thủ trên không và vũ trụ theo những kế hoạch đã hoàn tất. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin Nga tuyên bố sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Cùng với những tuyên bố về nâng cao sức mạnh quốc phòng, Moskva cũng chỉ trích NATO lợi dụng khủng hoảng Ukraine để áp sát biên giới Nga. Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang được NATO lợi dụng để thực hiện tham vọng tiến gần hơn tới biên giới nước Nga. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh quyết định của NATO duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đen và Biển Baltic là hành động làm gia tăng căng thẳng.

3. Mười ba năm sau ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, ngày 11-9, các hoạt động tưởng niệm những nạn nhân vô tội đã diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt là thành phố New York và thủ đô Washington.

Các hoạt động kỷ niệm diễn ra khi Mỹ vẫn đang tiến hành các cuộc không kích tại Iraq; hai nhà báo Mỹ vừa bị hành quyết một cách dã man; những toan tính để đè bẹp sự trỗi dậy của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Nước Mỹ phải đối diện với một thách thức an ninh mới, nguy hiểm nhất kể từ sau thảm kịch hơn một thập kỷ về trước.

IS đang được cho là nhóm khủng bố còn nguy hiểm hơn cả Al Qaeda. Ảnh: nydailymail

Sau cái chết của Bin Laden, sự xuất hiện của lực lượng Hồi giáo cực đoan IS đã làm người Mỹ nhận ra rằng cuộc chiến chống khủng bố của quốc gia này vẫn chưa có hồi kết, thậm chí Washington sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cam go hơn nhiều so với cuộc chiến tiêu diệt mạng lưới Al Qaeda bởi tính chất tàn bạo, sự lớn mạnh không ngừng và có tổ chức của IS. Lực lượng Hồi giáo cực đoan này đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với nước Mỹ mà cả các đồng minh của quốc gia này.

IS được giới tình báo Mỹ đánh giá là hoạt động tinh vi, có nguồn tài chính dồi dào, kỹ năng chiến đấu thành thục và chiến lược truyền thông bài bản, không chỉ thu hút được các tín đồ cực đoan ở các nước Hồi giáo mà còn lôi kéo được nhiều đối tượng đến từ các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Australia… Chỉ sau khoảng 10 năm, IS đã trở thành một tổ chức khủng bố lớn mạnh và nguy hiểm hơn cả Al Qaeda.

Trước thách thức an ninh mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến dịch toàn diện nhằm chống lại IS, tiêu diệt tận gốc lực lượng Hồi giáo cực đoan này. Khối liên minh đang được Mỹ vận động. Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc tại xứ Wales của Vương quốc Anh, một "liên minh nòng cốt" quy tụ 10 quốc gia (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỹ, Italy, Ba Lan và Đan Mạch) đã được thành lập và tuyên bố sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự chống lại IS tại Iraq và Syria.

Trên tinh thần đó, Hội nghị Ngoại trưởng Liên đoàn Arab (AL) nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm chống lại IS - lực lượng được xác định là "thách thức chưa từng có" đối với sự tồn vong của các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, như Hilal Khashan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Beirut, nhận xét: “Rõ ràng là người Mỹ đã quyết định cần phải can dự vào một cuộc chiến dường như không có hồi kết. Người Mỹ thường biết cách bắt đầu một cuộc chiến, song không biết cách kết thúc”.

4. Ngày 9-9, Ủy ban An toàn Hà Lan đã công bố kết quả điều tra sơ bộ trong một báo cáo dài 34 trang của Uỷ ban An toàn Hà Lan. Theo đó, máy bay MH17 rơi là do bị một lực từ bên ngoài tác động, cụ thể chiếc máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh do trúng phải "một loạt các vật thể di chuyển với tốc độ cao". Điều này giải thích lý do tại sao thiết bị ghi lại hành trình chuyến bay đột ngột ngừng hoạt động, máy bay đồng thời cũng mất liên lạc ngay lập tức với trạm kiểm soát không lưu và biến mất khỏi màn hình radar.

Nhiều dấu hiệu cho thấy MH17 bị bắn hạ bởi một loại vũ khí. Ảnh: Telegraph

Cũng theo báo cáo sơ bộ này, không hề có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy máy bay bị lỗi kỹ thuật hoặc sai sót của các phi công điều khiển máy bay. Kết quả sơ bộ này không phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17, đồng thời chưa thể chỉ ra thủ phạm đứng sau thảm kịch này.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ về cuộc điều tra được công bố, Ngày 10-9 Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã đến thủ đô Moskva (Nga) để thảo luận tình hình điều tra vụ chiếc máy bay mang số hiệu chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia rơi tại Ukraine làm 289 người thiệt mạng. Trước đó, ông Hussein đã có mặt tại Kiev (Ukraine) trong hai ngày, và thủ đô Amsterdam của Hà Lan sẽ là điểm đến cuối của ông trong chuyến công tác nhằm thúc đẩy tiến trình làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc trên.

5. Căng thẳng Trung – Nhật lại xuất hiện khi tàu Trung Quốc lại xuất hiện gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Ngày 10-9, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu của Lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là lần xâm nhập đầu tiên kể từ hôm 1-9 và là lần thứ 22 trong năm nay.

Tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Ảnh: Kyodo

Theo đơn vị bảo vệ bờ biển khu vực số 11 ở Naha, các tàu của CCG được xác định là Hải cảnh 2101, 2166, 2337 và 2350, đã xuất hiện ở khu vực này trong khoảng 2 giờ đồng hồ từ lúc 10 giờ sáng.

Trong khi đó, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc khẳng định các tàu của CCG chỉ thực hiện hoạt động tuần tra thường kỳ tại vùng biển nước này, gần khu vực quần đảo Điếu Ngư. Mối quan hệ giữa 2 nước lại càng đi xuống sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong đó bao gồm cả quần đào Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 11 năm ngoái.

6. Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba đã khiến quốc đảo này thiệt hại 3,9 tỷ USD trong giao thương với nước ngoài trong năm qua, nâng tổng thiệt hại về kinh tế của La Habana trong vòng 55 năm qua lên 116,8 tỷ USD.

Một đường phố ở Cuba. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo công bố ngày 9-9, con số 116,8 tỷ USD trên là tính theo mức giá hiện tại. Tuy nhiên, nếu tính toán theo sự sụt giá của đồng USD so với giá vàng thế giới, con số thiệt hại của Cuba lên tới 1.110 tỷ USD. Số liệu trên được công bố trong một báo cáo thường niên mà Cuba chuẩn bị trình lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) yêu cầu một nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế toàn diện và các lệnh trừng phạt khác của Mỹ nhằm vào La Habana.

Thực tế, trong suốt 22 năm qua, ĐHĐ LHQ đều thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ với sự ủng hộ đa số. Chính sách chống Cuba của Mỹ đang vấp phải sự chỉ trích không chỉ trên bình diện quốc tế. Một kết quả thăm dò hồi tháng Hai vừa qua cho thấy có tới 56% công dân Mỹ ủng hộ thay đổi chính sách của Washington với La Habana.

7. Vào lúc 0h ngày 10-9 (giờ Hà Nội), tại trụ sở chính ở Cupertino, bang California của Mỹ, hãng Apple đã chính thức giới thiệu đến mẫu điện thoại iPhone 6 và iPhone 6. Theo Apple, hai mẫu điện thoại mới Iphone 6, iphone 6 cộng được trang bị màn hình cảm ứng là 4,7 inch và 5,5 inch. Với bộ vi xử lý mới giúp tăng 20% hiệu năng xử lý của CPU, 50% xử lý đồ họa so với iPhone 5s. Độ dày của Iphone 6 chỉ là 6,9mm trong khi đó iPhone 6 cộng dày là 7,1mm. Cũng theo Apple, iPhone 6 và iPhone 6 Cộng được bổ sung nhiều tính năng mới giúp thao tác bằng 1 tay dễ hơn…

Iphone 6 và Apple Watch. Ảnh: USA today

Theo Apple công bố, phiên bản iPhone 6 4,7 inch sẽ có giá khởi điểm kèm hợp đồng là 199 USD cho bản 32GB. Sở hữu màn hình lớn hơn do đó iPhone 6 Plus cũng sẽ có giá kèm hợp đồng ở mức cao hơn là 299 USD cho phiên bản 32GB. Máy sẽ được bán ra chính thức vào ngày 19 tháng 9.

Ngay sau khi ra mắt hai mẫu điện thoại mới, một sản phẩm đáng mong đợi khác là Apple Watch cũng đã lộ diện. Apple Watch được trang bị phản hồi rung, chống nước, loa ngoài. Những lỗ ở mặt lưng dùng để phục cho cảm biến nhịp tim và sạc không dây. Người dùng có thể tùy chỉnh các giao diện trên chiếc đồng hồ. Ngoài ra, Apple Watch có thể được dùng làm bộ đàm, điều khiển camera của iPhone. Dự kiến Apple Watch có giá khởi điểm là 349 USD và sẽ được bán vào đầu năm 2015. 

NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)