QĐND Online - Việt Nam tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9; Cuộc khủng hoảng nhập cư vào châu Âu lên tới cao trào; Phương Tây và Nga tiếp tục đối đầu... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.
1. Truyền thông thế giới đưa tin và đăng ảnh về cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam ngày 2-9.
Nhiều hãng tin, tờ báo lớn cùng nhìn lại các dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam cũng như nêu những điểm đáng chú ý nhất trong diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
 |
Quang cảnh cuộc diễu binh, diễu hành. Ảnh: qdnd.vn |
Đây được đánh giá là một trong những sự kiện quốc gia lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam trong những năm qua, góp phần truyền cảm hứng về “lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình” cho các thế hệ người Việt tiếp tục chung tay vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Ngày 3-9, Trung Quốc đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Cùng tham dự Lễ kỷ niệm có Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của 30 nước, lãnh đạo của 10 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon.
3. Cảnh sát Thái Lan xác nhận rằng, kết quả xét nghiệm ADN của hai nghi can người nước ngoài bị tình nghi liên quan tới vụ nổ bom ở Bangkok tối 17-8 không trùng khớp với mẫu ADN mà họ thu thập được.
 |
Nghi phạm đặt bom tại đền Erawan vẫn trong vòng bí ẩn. Ảnh: BKP |
Xác nhận trên có nghĩa là thủ phạm của vụ đánh bom ở Bangkok, được xác định là Mieraili Yusufu hay Yusufu Meerailee (đến từ Tân Cương, Trung Quốc), vẫn đang lẩn trốn ở đâu đó bất chấp việc bắt giữ hai nghi phạm và công bố danh tính của 7 nghi can khác.
Cảnh sát Thái Lan vẫn đang nỗ lực vào cuộc điều tra vụ đánh bom đẫm máu trên, làm 20 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương.
4. Những bức hình đầy ám ảnh về thi thể nhỏ nhoi của một bé trai người Syria bị chết đuối, dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng nhập cư đang đè nặng lên vai "lục địa già".
 |
Cuộc khủng hoảng nhập cư sang châu Âu đang lên đến đỉnh điểm. Ảnh: ibtimes |
Trước đó, báo chí thế giới đã đăng tải hàng loạt hình ảnh về những người Syria trốn chạy cuộc chiến ở quê nhà, tìm đường tới châu Âu tị nạn. Tuy nhiên, có vẻ như bi kịch của bé trai người Syria mới thực sự khiến mối quan tâm của dư luận đối với cuộc khủng hoảng nhập cư lên tới cao trào.
350.000 người Syria đã tới châu Âu bằng đường biển và đường bộ kể từ đầu năm tới giờ trong những hành trình kiếm tìm cuộc sống ở "miền đất hứa", nhưng không phải ai cũng may mắn. Gần 3.000 người đã chết trong các tai nạn trên biển Địa Trung Hải.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước thành viên do thiếu hiệu quả trong đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Nhiều người cho rằng sự bất lực từ phía EU đang biến Địa Trung Hải thành "nghĩa địa" của người di cư.
5. Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân và doanh nghiệp ở Nga và miền Đông Ukraine cho tới ngày 15-3-2016.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: dw.com |
Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung 29 công ty vào danh sách cấm vận. Đây đều là những doanh nghiệp trực thuộc những các công ty Nga đang thuộc diện bị Washington trừng phạt.
Bao vây trừng phạt được xem là đòn tấn công chủ chốt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine. Đáp lại, Moscow đã kéo dài lệnh phản trừng phạt đến ngày 5-8-2016 đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm bị cấm nhập khẩu vào Nga.
Washington và Brussels đều nhiều lần tuyên bố, cấm vận chống Moskva sẽ được dỡ bỏ khi Thỏa thuận Minsk về chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine gắn với phần “trách nhiệm” của Moscow.
6. Ngày 3-9, hơn 1.500 chiếc máy kéo do nông dân điều khiển đến từ nhiều địa phương trên toàn nước Pháp đã đổ về Paris để biểu tình gây sức ép yêu cầu Chính phủ Pháp phải có biện pháp hỗ trợ nông dân trong các lĩnh vực sản xuất sữa và chăn nuôi gia súc.
 |
Nông dân Pháp phong tỏa đường cao tốc A81 ở Laval, miền Tây nước Pháp ngày 27-7. Ảnh: TTXVN
|
Giá nông sản liên tục giảm thời gian qua đồng thời các quy định tiêu chuẩn ngặt nghèo làm tăng chi phí sản xuất là nguyên nhân chính làm bùng phát cuộc biểu tình trên.
Cuộc biểu tình quy mô lớn lần này cho thấy sự giận dữ cũng như quyết tâm của người nông dân do họ không thỏa mãn với tuyên bố của Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Christian Le Foll trong các buổi gặp với đại diện các nghiệp đoàn nông dân trước đó
VĂN HIẾU (tổng hợp)