QĐND Online - Phương Tây và Mỹ “quyết liệt” với Nga vì Crưm; thêm nhiều “tia hy vọng” trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia; bán đảo Triều Tiên “tăng nhiệt”.... là những tin tức thế giới nổi bật tuần qua.
1. Phương Tây và Mỹ đã có hàng loạt động thái “đáp trả” để phản đối việc Nga “thôn tính” Crưm, như tiếp tục cáo buộc Nga trên các diễn đàn đa phương, loại Nga ra khỏi hội nghị thượng đỉnh G8, áp đặt lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng sang Nga...
 |
Sau Crưm, đại lục già có được bình yên trở lại hay không? Ảnh: RIAN |
Để “kéo” Ukraine về phía mình, phương Tây dự tính sẽ cung cấp gói viện trợ tài chính 27 tỷ USD cho Ukraine, còn Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cung cấp khoản vay 1 tỷ USD cho chính phủ lâm thời Kiev, NATO cũng cam kết hỗ trợ đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ tại Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Đại hội đồng LHQ vừa bỏ phiếu thông qua nghị quyết do Ukraina đệ trình, nhằm lên án cuộc trưng cầu ý dân ở Crưm khiến nó trở thành một phần của Nga.
Vấn đề Crưm đã kết thúc với Nga, nhưng đó có thể là điểm khởi đầu của “cơn bão” chính trị tiếp theo tại Ukraine và đưa cả châu Âu vào “vòng xoáy” của cuộc trả đũa của Mỹ và phương Tây đối với Nga.
2. “Niềm tin” xung quanh việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, hiện đã tốn quá nhiều giấy mực về giả thuyết số phận của nó và các hành khách, đang được nhen nhóm.
Những ngày qua, những hình ảnh từ vệ tinh của Nhật Bản, Thái Lan và Pháp liên tục cho thấy nhiều vật thể nghi là mảnh vỡ của máy bay mất tích MH370, nằm gần những khu vực tìm kiếm trước đó ở nam Ấn Độ Dương.
 |
Khu vực tìm kiếm mới trong ngày 28-3. Ảnh: AMSA |
Vì các điều tra viên xác định máy bay đã bay nhanh hơn dự đoán, do đó tiêu thụ lượng nhiên liệu lớn hơn và không thể bay quá xa xuống phía nam Ấn Độ Dương, nên đội tìm kiếm quốc tế hy vọng sẽ lần đầu tiên vớt được vật thể nghi của chuyến bay MH370 trong ngày hôm nay (29-3).
Gần 3 tuần sau khi MH370 biến mất, tiến độ tìm kiếm những mảnh vỡ nghi là của chiếc máy bay xấu số này diễn ra rất chậm. Malaysia đã không chỉ mất một máy bay mà còn đưa quốc gia này vào một chặng đường có thể rất dài và nhiều gian nan để tìm lại uy tín đã bị đánh mất.
3. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục được “thử thách” khi ngày 27-3, gần 15.000 binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua với tên gọi Song Long.
 |
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Song Long 2014. Ảnh: naharnet.com |
Các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ thường xuyên bị Triều Tiên lên án, coi đây là các hành động khiêu khích nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước này.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh trước đó một ngày, Bình Nhưỡng đã bắn thử 2 tên lửa đạn đạo tầm trung (tầm bắn 1.000-1.500km) vào vùng biển phía Đông nước này. Không những thế, Triều Tiên cùng ngày cũng đã bắt đầu cuộc tập trận thâm nhập và pháo kích với mục tiêu giả định nằm ở biên giới Hàn Quốc
4. Sự thoáng đãng, yên ả trên những con phố ở thủ đô Bangkok của Thái Lan cùng những hy vọng mới nhen nhóm về một dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 tháng qua bỗng chốc tiêu tan bởi quyết định bất ngờ của Tòa án Hiến pháp bác bỏ cuộc bầu cử hồi tháng 2.
 |
Người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã nối lại các cuộc biểu tình tại Bangkok ngày 24-3. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, được đà từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp rõ ràng nghiêng về phía mình, phe chống chính phủ ngay lập tức muốn làm sống lại cuộc chiến đường phố để tiếp tục duy trì đòi hỏi của mình là tiến hành cải cách trước khi có bất kỳ cuộc bầu cử nào.
Bạo lực và bất ổn chính trị kéo dài nhiều tháng qua đang làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến viễn cảnh kinh tế tại Thái Lan. Quyết định trên có thể khiến bầu không khí chính trị của đất nước Chùa vàng tiếp tục nóng lên sau khi vừa có dấu hiệu lắng dịu.
5. Theo báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 26-3, đến nay đã có 53,6% số vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy trong nước hoặc được chuyển ra bên ngoài lãnh thổ nước này.
 |
Một quả bom hóa học đang chuẩn bị được tiêu hủy. Ảnh: AFP
|
Tuy nhiên, việc này vẫn bị chậm tiến độ so với hạn chót là ngày 30-6, thời hạn mà Nga và Mỹ nhất trí hồi năm ngoái nhằm ngăn chặn cuộc tấn công quân sự được Washington hậu thuẫn vào Syria.
Các cường quốc phương Tây gần đây đã cáo buộc Damascus không thực hiện các cam kết nhanh chóng di dời vũ khí hóa học. Trong khi đó, Chính phủ Syria lại cho rằng phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn cản trở quá trình vận chuyển vũ khí hóa học bằng các cuộc tấn công những căn cứ lưu trữ các chất hóa học này.
VĂN HIẾU (tổng hợp)