1. Syria đang đối mặt với nguy cơ tái diễn cuộc chiến mới cả trên chính trường và chiến trường, ngày 18-4, phe đối lập tuyên bố ngừng tham gia các cuộc hòa đàm chính thức tại Geneva với lý do để phản đối tình hình nhân đạo “tồi tệ” tại quốc gia này. Các nhóm vũ trang đối lập cũng tuyên bố bắt đầu "cuộc chiến mới" chống lại quân đội chính phủ.  

Quang cảnh một cuộc đàm phán về hòa bình Syria ở Geneva. Ảnh: Vietnamplus.

Trong bối cảnh đó, phái đoàn đàm phán của chính phủ Syria đang tìm cách thúc đẩy thành lập một chính phủ mở rộng do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu, nhưng vẫn tiếp tục duy trì tất cả các thể chế của chính phủ hiện tại.

Nga đã lên tiếng chỉ trích một số “thành phần chính trị” đang tìm cách làm chệch hướng hòa đàm; cáo buộc phe đối lập gây sức ép lên cuộc hòa đàm; đồng thời bác bỏ những thông tin "vô căn cứ" cho rằng lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.  

Vòng đàm phán mới hy vọng được nối lại vào tuần tới. Hiện tại, các phe phái tham chiến vẫn chưa đàm phán trực tiếp mà chỉ có các cuộc gặp riêng rẽ với Đặc phái viên LHQ. Mâu thuẫn lớn nhất cản trở đàm phán là vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống Assad. Phía chính quyền Syria khẳng định sẽ không đàm phán và nhân nhượng về vấn đề này.

2. Giải pháp hai nhà nước, theo đó Palestine và Israel cùng chung sống hòa bình, có vẻ như ngày càng xa vời. Đó là lời cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đưa ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực triền miên, cùng các hoạt động của Israel xây nhà tái định cư,  phá hủy nhà của người dân Palestine và sự thiếu đoàn kết của người dân Palestine đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Một phụ nữ Palestine tức giận trước hoạt động của binh sĩ Israel ở khu Bờ Tây. Ảnh: Reuters 


Ông Ban Ki Mun còn cho biết, bạo lực bùng phát trong 6 tháng qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 người Israel và 200 người Palestine. Tại khu vực Bờ Tây, Israel tiếp tục phá hủy cơ sở hạ tầng của người Palestine, khiến 840 người Palestine đã bị mất nhà cửa. Chính quyền Tel Aviv cũng tăng cường mở rộng các khu định cư trái phép, tuyên bố chủ quyền trên đất của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế và gây phương hại đến giải pháp hai nhà nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng lên án các vụ tấn công thường dân Israel do người Palestine tiến hành cũng như các hành động trả đũa của Israel tại Dải Gaza.

Hiện tại, Nhóm Bộ Tứ Trung Đông - bao gồm LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga đang soạn thảo báo cáo đánh giá lại tình hình, những mối đe dọa đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời đưa ra những kiến nghị về cách thức thúc đẩy hòa bình. Pháp đã đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế nhằm thúc đẩy các bên sớm quay trở lại vòng đàm phán.

3. Vòng đàm phán tiếp theo của Nhóm Tiếp xúc về Ukraine đã kết thúc ngày 20-4 tại thủ đô Minsk của Belarus mà không đạt được kết quả rõ rệt nào. Điều này khiến tình hình miền Đông Ukraine càng trở nên căng thẳng hơn. Những bất đồng khó tháo gỡ hiện tại vẫn là việc tổ chức các cuộc bầu cử, quy chế đặc biệt của Donbass và cải cách Hiến pháp.

 

Một trận địa pháo ở khu vực miền Đông Ukraine. Ảnh: News.yahoo.com  


Trên chiến trường, các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại khu vực xung đột ở Donbass đang có xu hướng gia tăng trong 2 tuần qua với khoảng 4.700 vụ. Hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau về việc này. Quân đội Ukraine cho biết họ đã phải chịu những tổn thất lớn khi lực lượng đòi độc lập bắn đạn cối vào các vị trí của quân chính phủ. Tuy nhiên, lực lượng quân sự của Cộng hòa Donetsk tự xưng đã bác bỏ cáo buộc trên, tuyên bố rằng quân đội Ukraine đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục nã pháo vào các vị trí của họ với các loại vũ khí hạng nặng. 
Đã có 9.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường kể từ khi xung đột nổ ra từ tháng 4-2014 đến nay.

4. “Bóng ma” IS tiếp tục đe dọa, gieo rắc nỗi sợ hãi tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Đông Nam Á, ba nước Philippines, Indonesia và Malaysia có thể là mục tiêu tấn công khủng bố tiếp theo của tổ chức này. Thông tin này đăng tải trên tạp chí "Dabiq" của IS số ra mới nhất, được Tờ New Straits Times của Malaysia trích dẫn lại. Danh sách còn bao gồm các nước Tawaghit (các nước thờ người khác cao hơn thánh Allah), như: Afghanistan, Iraq, Algeria, Somalia, Yemen, Tunisia, Libya, Pakistan, Bangladesh và Ai Cập…

Hiện trường vụ đánh bom ở Jakarta, Indonesia tháng 1 vừa qua. Ảnh: CNN

Nhà chức trách Malaysia cho biết thêm, IS đã coi tất cả các nước thực hiện dân chủ và tiến hành bầu cử theo Hiến pháp là các quốc gia bội giáo và máu của người dân những quốc gia này sẽ phải đổ theo giới luật Hồi giáo. Hiện đã có hàng trăm công dân Indonesia và Malaysia tham gia vào tổ chức IS.

Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, IS có thể thiết lập một căn cứ ở trong khu vực, nơi chúng kiểm soát trên thực địa.

Còn tại châu Âu, nhóm các chuyên gia về chính sách chống khủng bố của Liên minh châu Âu EU và NATO đã đưa ra cảnh báo về việc IS âm ưu tấn công châu Âu bằng vũ khí hoá học và hạt nhân. NATO cũng cảnh báo IS có thể tách ra làm hai, một tiếp tục bám trụ tại Iraq và Syria, trong khi phần còn lại xây dựng mạng lưới khủng bố ngầm ở châu Âu.   

5. Chính trường Brazil càng trở nên rối ren hơn, khi Hạ viện nước này thông qua quyết định về việc luận lội Tổng thống Dilma Rousseff. Tương lai chính trị của bà Rousseff còn phải chờ kết quả bỏ phiếu tại tại Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5. Trong trường hợp trên 50% nghị sĩ tại Thượng viện tán thành, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày và nhường chỗ cho Phó Tổng thống  theo quy định của Hiến pháp. 

 Tổng thống Brazil Rousseff. Ảnh: Sputnik
Một diễn biến khác khiến những nỗ lực của phe cầm quyền trở nên vô vọng hơn khi ngày 20-4, Tòa án Bầu cử Brazil đã yêu cầu điều tra tài chính trong chiến dịch bầu cử năm 2014 có liên quan tới Tổng thống Dilma Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer. Trong đó có cáo buộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras đã sử dụng tiền tham ô để tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và phe ủng hộ bà tuyên bố việc làm của phe đối lập là hành động đảo chính. Dư luận Brazil đang bị chia rẽ giữa một bên ủng hộ và một bên muốn Tổng thống phải từ nhiệm.

6. Cuộc vận động trưng cầu dân ý về việc “ra đi” và “ở lại” Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh đang được cả hai phe thúc đẩy mạnh mẽ. Chính phủ Anh đã chi 9 triệu bảng để in sách gửi tới từng hộ gia đình nêu lý do vì sao chính phủ tin rằng bỏ phiếu ở lại EU là quyết định tốt nhất cho "xứ sương mù".

Nước Anh chia hai phe: đi và ở lại EU. Ảnh minh họa: telegraph.co.uk

Hiện tại, phe vận động ở lại EU đang chiếm ưu thế. 76% số sinh viên được hỏi ủng hộ Anh ở lại EU, trong khi chỉ có 14% ngả theo hướng "Brexit" - tức là Anh rời khỏi EU. Thất nghiệp và giá cả tăng lên nếu Anh rời EU là nguyên nhân chính khiến giới trẻ ở Anh lựa chọn bỏ phiếu ở lại. Bộ Tài chính Anh đã lên tiếng cảnh báo Anh sẽ mất nhiều hơn được nếu rời EU.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò tại 5 quốc gia gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Anh cho thấy, công dân châu Âu còn lo ngại kịch bản"Brexit" hơn cả người dân Anh.

Cuộc trưng cầu dân ý sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 23-6, để cử tri Anh quyết định việc có tiếp tục là thành viên EU nữa hay không sau hơn 4 thập kỷ gắn bó với "mái nhà chung" châu Âu.

7. Điểm sáng thu hút sự quan tâm của dư luận: Ngày 19-4, Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba đã công bố kết quả bầu chọn Ban lãnh đạo mới và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng định hình hướng đi cho đất nước. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Raúl Castro được bầu lại vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Cuba.  

Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro (trái) và em trai là Chủ tịch Cuba Raul Castro trong Lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cuba hôm 19-4. Ảnh: Reuters

Đại hội toàn quốc lần thứ VII diễn ra trong bối cảnh Cuba đang từng bước mở cửa sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ hồi cuối năm 2014, chấm dứt hơn nửa thế kỷ bị bao vây cấm vận.

Tại Lào, ngày 20-4, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 8 của nước này đã khai mạc, bầu và phê chuẩn một loạt nhân sự của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.

Theo đó, bà Pany Yathotou được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Ông Bounnhang Volachith được bầu làm Chủ tịch nước. Ông Thongloun Sisoulith được bầu làm Thủ tướng.


VĂN DUYÊN (tổng hợp)