Giới chuyên gia đánh giá đây là một trong những đạo luật tham vọng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, khi kết hợp các chính sách giảm thuế sâu rộng, cắt giảm chi tiêu an sinh xã hội, tăng mạnh ngân sách quốc phòng và kiểm soát nhập cư, nhưng đồng thời cũng khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 3.800 tỷ USD.

Dự luật tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm: Gia hạn và mở rộng các chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017, tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh biên giới, đồng thời cắt giảm mạnh các chương trình an sinh xã hội như Medicaid (về y tế) và trợ cấp lương thực SNAP (chương trình hỗ trợ thực phẩm liên bang lớn nhất tại Mỹ).

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (giữa) rời khỏi phòng họp của Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu OBBBA. Ảnh: Getty 

Đáng chú ý, dự luật đề xuất bổ sung 150 tỷ USD trong 10 năm tới, gồm 23 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Vàng” và 28 tỷ USD cho đóng mới tàu chiến, đặc biệt là các tàu không người lái. Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất cung cấp 350 tỷ USD cho các hoạt động kiểm soát nhập cư, bao gồm cả chi phí trục xuất người nhập cư trái phép, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Donald Trump.

Dự luật còn bổ sung các khoản miễn thuế mới, bao gồm không đánh thuế tiền boa, tiền làm thêm giờ và lãi suất đối với một số khoản vay mua ô tô, những cam kết mà ông Donald Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Theo Izvestia, tổng giá trị cắt giảm thuế ước tính lên tới 4.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Như vậy, dự luật sẽ bao gồm hàng loạt điều khoản điều chỉnh thu chi, giúp thiết lập nền tảng ngân sách để Tổng thống Donald Trump thực hiện các cam kết tranh cử cũng như chương trình nghị sự kinh tế trong nhiệm kỳ 2 của mình. Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa ca ngợi dự luật là “dự luật vĩ đại nhất trong lịch sử”, hứa hẹn mang lại hàng triệu việc làm, tăng cường an ninh biên giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

OBBBA được coi là chiến thắng lập pháp quan trọng cũng như thành tựu chính sách nổi bật của Tổng thống Donald Trump kể từ khi tái đắc cử, nhưng cũng làm bộc lộ những chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ. Hành trình dự luật vượt qua lưỡng viện Quốc hội Mỹ cho thấy rõ sự phân cực khi tại Hạ viện chỉ có hai nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống, nhưng toàn bộ nghị sĩ Dân chủ phản đối. Phe Dân chủ gọi đây là "đòn đánh vào tầng lớp lao động và người dễ bị tổn thương nhất". Các Thượng nghị sĩ Thom Tillis và Susan Collins đã phản đối vì lo ngại hàng trăm nghìn người dân tại bang của họ có thể mất bảo hiểm y tế. Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries phát biểu suốt 8 giờ 44 phút nhằm trì hoãn cuộc bỏ phiếu và kêu gọi phản đối dự luật.

Chưa kể tới những tác động trái chiều tới kinh tế-xã hội mà dự luật đưa lại, trong khi Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hoà tin tưởng “dự luật to đẹp” sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, với kỳ vọng “đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ hoàng kim” thông qua những biện pháp điều chỉnh thuế nêu trên, các nhà phân tích phi đảng phái, bao gồm Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), cảnh báo nó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 3.300 tỷ USD trong thập niên tới. CBO cũng dự báo các cắt giảm Medicaid và SNAP, có thể khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế và trợ cấp lương thực. Ngành y tế có nguy cơ mất khoảng 500.000 việc làm do giảm chi tiêu, trong khi ngành năng lượng xanh cũng đối mặt với nguy cơ sụp đổ do hủy bỏ các khoản tín dụng thuế.

Đáng chú ý, tỷ phú Elon Musk, một nhân vật có ảnh hưởng lớn, đã công khai chỉ trích OBBBA, cảnh báo rằng việc cắt giảm Medicaid và tăng trần nợ công có thể dẫn đến suy thoái kinh tế sâu. 

OBBBA cũng được cảnh báo sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn có tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế từ BNP Paribas cảnh báo các chính sách thuế quan, cắt giảm thuế của ông Donald Trump có thể đẩy lạm phát cao hơn và chi phí vay tăng có thể cản trở tăng trưởng, đặc biệt nếu Cục Dự trữ liên bang (FED) buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thậm chí, Oxford Economics ước tính các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ chứng kiến xuất khẩu giảm 3-8% do các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Vì vậy, đằng sau những đánh giá lạc quan về OBBBA còn có những quan ngại về loạt hệ quả và rủi ro tiềm ẩn, trước tiên là đối với nước Mỹ như tác động tiêu cực tới an sinh xã hội, nợ công tăng cao, phân hóa giàu nghèo gia tăng và khiến nền tài chính quốc gia mất cân đối.

Không thể phủ nhận dự luật là bước đi táo bạo của Tổng thống Donald Trump, thể hiện tham vọng định hình lại nền kinh tế và chính sách đối nội của Mỹ. Nhưng liệu OBBBA có tạo ra những thay đổi lịch sử ở nước Mỹ hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và chỉ đến khi nào những hiệu ứng thực tế bắt đầu hiện diện rõ rệt trong nền kinh tế-tài chính Mỹ cũng như đời sống người dân Mỹ, mới có thể có câu trả lời chính xác.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.