1. Cảnh sát Mỹ vừa phải hứng chịu một vụ tấn công tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện 11-9
Tối 7-7, một tay súng bắn tỉa đã nổ súng vào lực lượng cảnh sát khiến 5 người bị thiệt mạng và 6 người khác bị thương, khi đang làm nhiệm vụ ngăn chặn đám đông biểu tình phản đối vụ cảnh sát Mỹ bắn chết 2 công dân da màu tại Minnesota và Louisiana. Thủ phạm sau đó đã bị tiêu diệt bằng robot cài bom sau cuộc đọ súng và thương lượng bất thành nhiều giờ đồng hồ với cảnh sát. Tên này trước đó đã tuyên bố rằng, hắn rất bất bình với những vụ nổ súng gần đây của cảnh sát và muốn sát hại người da trắng, nhất là cảnh sát. Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra động cơ của hành động của tên này.
Hiện trường vụ nổ súng tại Dallas. Ảnh: Indian Express
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích mạnh mẽ các vụ nổ súng nói trên của cảnh sát Mỹ và cho rằng đây là kết quả của tình trạng thiếu lòng tin giữa lực lượng thực thi luật pháp và các cộng đồng thiểu số. Vụ việc một lần nữa dấy lên những quan ngại về các quy định sở hữu súng đạng tại Mỹ. Tổng thống Obama khẳng định sẽ xem xét lại vấn đề này trong thời gian tới.
2. Sau những tổn thất nặng nề trên chiến trường, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị mất 47% lãnh thổ ở Iraq và 20% ở Syria. Trong thế tuyệt vọng, phiến quân này đã liên tiếp thực hiện các vụ tấn công đẫm máu tại Iraq, Bangladesh, Arab Saudi; đồng thời đe dọa chuyển hướng tấn công sang khu vực Đông Nam Á.
Hiện trường vụ đánh bom tại Iraq. Ảnh: Reuters
Với âm mưu “gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc” ở khắp nơi trên thế giới, mục tiêu tấn công của IS giờ đây không chỉ là phương Tây mà cả các nước Hồi giáo, nơi có nhiều người dân theo đạo Hồi. Tuần qua, thế giới rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom liều chết được thực hiện bởi tổ chức khủng bố này.
Ít nhất 5 người, trong đó có 3 cảnh sát, đã bị thương trong một vụ nổ bom sáng 7-7 tại lối vào khu cầu nguyện Sholakia, cách thủ đô Dhaka của Bangladesh 117km. Sự việc xảy ra khi các tín đồ Hồi giáo đang tổ chức lễ Eid ul-Fitr chuẩn bị kết thúc tháng lễ Ramadan.
Trước đó, các tay súng đã tấn công khu đoàn ngoại giao Gulshan ở trung tâm thủ đô Dhaka, bắt giữ nhiều con tin. Sau 12 tiếng đồng hồ tiến hành chiến dịch giải cứu, lực lượng an ninh đã tiêu diệt 6 kẻ tấn công và bắt sống 1 tên. Ít nhất 20 con tin đã thiệt mạng, trong đó chủ yếu là người nước ngoài. Ngoài ra có 40 người bị thương, trong đó có cả cảnh sát
Cũng trong ngày lễ Eid Al Fitr, 3 vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại các đền thờ ở các thành phố Qatif và Medina của Saudi Arabia.
Tại Iraq, đêm 7-7, IS đã tiến hành hai vụ đánh bom liều chết nhằm vào một lăng mộ thiêng liêng của người Hồi giáo theo dòng Shiite ở tỉnh miền Trung Salahudin. Ít nhất 35 người đã thiệt mạng và 60 người bị thương.
Trước đó, ngày 3-7 phiến quân này đã tiến hành hai vụ đánh bom nhằm vào các khu phố thương mại sầm uất ở thủ đô Baghdad. Theo thống kê của nhà chức trách, hiện tại số người thiệt mạng lên tới gần 300 người và gần 200 người bị thương.
Các vụ đánh bom này diễn ra chỉ một tuần sau khi lực lượng an ninh Iraq chiếm lại được thành phố Falluja từ tay IS. Chính phủ Iraq đã tuyên bố ba ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân.
Tại khu vực Đông Nam Á, thủ lĩnh của các tay súng người Malaysia gia nhập IS Muhamad Wanndy Mhamed Jedi đã tung video đe dọa tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hơn trong thời gian tới ở Malaysia, sau cuộc tấn công khủng bố ngày 28-6 vào quán Modiva tại Puchong. Các cuộc tấn công sẽ được thực hiện nếu chính phủ tiếp tục sử dụng Đạo luật về tội phạm an ninh Sosma, trong đó quy định các biện pháp đặc biệt trừng phạt thành viên IS ở Malaysia.
Các video này xuất hiện sau vụ tấn công gần một đồn cảnh sát ở thành phố Solo miền trung Java, Indonesia sáng cùng ngày, khi một kẻ đánh bom liều chết tự cho nổ mình làm bị thương một sĩ quan cảnh sát.
Sự thay đổi chiến lược của IS đã đặt ra thách thức vô cùng lớn cho các quốc gia. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sẽ còn nhiều khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác của toàn cầu.
3. Điều phối viên về vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria, Yacoub El Hillo ngày 4-7 đã yêu cầu các bên tham chiến tại quốc gia này cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo ngay lập tức và vô điều kiện tại 4 thị trấn Madaya, Zabadani, Foua và Kafraya, đồng thời đưa ra cảnh báo về nạn đói.
Người tị nạn Syria ở một khu trại tị nạn. Nguồn: Getty Images
Madaya và Zabadani nằm ngay ở ngoại ô thủ đô Damascus, đang chịu sự kiểm soát của các lực lượng ủng hộ chính phủ, trong khi quân nổi dậy phong tỏa Foua và Kafraya ở miền Tây Bắc. Các thị trấn này đã bị bao vây từ năm ngoái, thi thoảng các đoàn xe cứu trợ mới được phép tiếp cận để bổ sung lương thực và trang thiết bị y tế.
Hiện có 62.000 người bị mắc kẹt tại các thị trấn trên. Số phận của họ đang phụ thuộc vào thỏa thuận một đổi một giữa các nhóm phiến quân và chính phủ. Theo đó, nếu quân chính phủ đồng ý sơ tán y tế một người ra khỏi thị trấn mình kiểm soát, thì đổi lại quân nổi dậy phải cho phép một người được sơ tán y tế tại khu vực do các tay súng này chiếm đóng.
Trong khi đó, bất chấp lệnh ngừng bắn được thông báo nhân dịp lễ Eid al-Fitr, giao tranh ác liệt vẫn xảy ra tại thành phố Aleppo và khu vực lân cận, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em.
4. Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 5-7 tuyên bố: Manila sẵn sàng đàm phám với Trung Quốc, chứ không đi đến chiến tranh, nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết có lợi cho quốc gia Đông Nam Á này trong vụ kiện các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters.
Ông Duterte cho hay Philippines vẫn lạc quan rằng PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho nước mình. Tuy nhiên, nếu phán quyết này không có lợi cho Manila thì Philippines sẽ vẫn chấp thuận và tuân thủ.
Trước đó, hôm 4-7, Nhật Báo Trung Quốc (China Daily) đưa tin nước này sẵn sàng bắt đầu các cuộc thương thuyết với Philippines nếu Manila phớt lờ phán quyết của PCA, dự kiến được đưa ra vào ngày 12-7.
Trong môt diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng khẳng định với Trung Quốc sự cần thiết sử dụng giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên Biển Đông. Hoa Kỳ cũng hối thúc các bên tôn trọng phán quyết của PCA.
5. Trong những ngày cuối của tháng lễ Ramadan, bạo lực đã bùng phát tại miền Nam Thái Lan
Sáng 5-7 xảy ra một vụ nổ xe bom tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Songkla, miền Nam nước này, khiến 2 sĩ quan cảnh sát bị thương. Trước đó, tối 4-7, ít nhất 1 người thiệt mạng và nhiều người bị thương khi một nhóm các tay súng không rõ danh tính đã phóng 2 lựu đạn M79 vào một đồn cảnh sát ở tỉnh Yala.
Một vụ đánh bom xe ở miền nam Thái Lan. Ảnh: Reuters
Hôm 3-7, một vụ đánh bom cũng đã xảy ra gần thánh đường Hồi giáo trung tâm của tỉnh Pattani làm 1 cảnh sát giao thông thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Trong khi đó, các vụ phục kích ở tỉnh Yala đã khiến 2 cảnh sát thiệt mạng và một vụ đánh bom ở tỉnh Narathiwat khiến hoạt động đường sắt xuống khu vực cực Nam này bị đình trệ.
Những vụ tấn công kể trên báo hiệu sự gia tăng các hoạt động tấn công vũ trang của phiến quân ly khai Hồi giáo cực đoan tại miền Nam Thái Lan. Bạo lực tại miền Nam Thái Lan do hoạt động của phiến quân trong 11 năm qua đã làm hơn 6.500 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường
6. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8-7 thông báo nước này và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung (phải) và Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc Thomas Vandal (trái) tại cuộc họp báo ở Seoul sau khi hai nước đạt thỏa thuận về việc triển khai THAAD. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo thỏa thuận trên, hai bên quyết định triển khai THAAD “như một phần của các biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ các lực lượng quân sự của liên minh Hàn-Mỹ và đảm bảo an ninh của Hàn Quốc trước các mối đe dọa hạt nhân, vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ để triển khai THAAD ngay khi có thể.
Mặc dù hai nước này nhấn mạnh, THAAD không nhắm tới bất kỳ nước thứ ba nào và sẽ chỉ được sử dụng để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Hàn Quốc là Trung Quốc và Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc triển khai THAAD do radar của nó có thể xác định vị trí tên lửa bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên. Nhật Bản thì bày tỏ ủng hộ việc triển khai hệ thống này.
VĂN DUYÊN (tổng hợp)