1. Lùi thời hạn Brexit
Ngày 21-3, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cho nước Anh lùi thời hạn thực thi Brexit thay vì ngày 29-3. Điều này cho thấy, tiến trình Brexit có thể lại bị trì hoãn và kết thúc không có một thỏa thuận nào.
EU và Anh đã nhất trí với kế hoạch lùi thời điểm Brexit tới ngày 22-5, trong trường hợp Hạ Viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit. Nếu các nghị sĩ Anh một lần nữa bác bỏ văn kiện thỏa thuận trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới, EU cho biết Anh sẽ phải đề xuất một kế hoạch mới trước ngày 12-4.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC |
Ban đầu, bà Theresa May muốn hoãn lại đến ngày 30-6. Tuy nhiên, cuộc bầu cử nghị viên châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26-5. Nếu hoãn đến ngày 30-6 thì nước Anh phải đi bầu nghị viện châu Âu. Đây là không thể vì nước này đã xin ra khỏi khối EU.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo đạt được thỏa thuận cho tiến trình Brexit, cũng như đạt được các thỏa thuận khác giữa EU và Anh trong vụ “ly hôn” này.
Hiện tại chưa có gì chắc chắn rằng quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch của bà May, trong khi nhiều nghị sĩ Anh đã lên tiếng yêu cầu bà từ chức. Do đó, tuần sau sẽ là thời gian quyết định với vấn đề Brexit cũng như tương lai của bà May.
2. Trung Đông đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới
Khu vực Trung Đông có thể đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Tuyên bố của Tổng thống Trump đã trao cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một chiến thắng ngoại giao, khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử quan trọng, quyết định ông có tiếp tục nắm quyền Thủ tướng Israel hay không.
 |
Xe tăng của quân đội Israel ở Cao nguyên Golan. Ảnh: CBS News. |
Động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hàng chục năm qua của xứ Cờ hoa đối với Trung Đông và đe dọa làm leo thang căng thẳng tại khu vực vốn đã được coi là “chảo lửa” của thế giới.
Lãnh đạo nhiều nước, tổ chức đã phản đối tuyên bố này bởi họ cho rằng nó sẽ mở đường cho việc Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Israel ở Golan - vốn là lãnh thổ Syria bị chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và chính thức sáp nhập vùng đất này năm 1981.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không công nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan, chỉ xem cao nguyên này là vùng lãnh thổ chiếm đóng và các khu định cư của Israel tại đây là vi phạm luật quốc tế.
3. Mỹ rút lại lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên
Chỉ trong vòng một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tung ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thu hồi quyết định này.
Ngày 21-3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt hai công ty vận tải Trung Quốc là Công ty TNHH Hải Bác (thành phố Đại Liên) và Công ty TNHH Đan Hưng (tỉnh Liêu Ninh) vì giúp Triều Tiên trốn tránh sự trừng phạt.
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội ngày 28-2. Ảnh: CNN |
Đây là đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào Triều Tiên sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không thu được kết quả như mong đợi, đặc biệt là trong vấn đề giải trừ hạt nhân và nới lỏng cấm vận Triều Tiên.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra ngày 21-3, thì ngày 22-3 Triều Tiên đã rút khỏi văn phòng liên lạc với Hàn Quốc. Động thái đột ngột này của Triều Tiên được cho là sẽ làm tổn hại quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, gây khó khăn cho chính sách ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Giải thích về tuyên bố của ông Trump, Nhà Trắng cho biết ông làm điều này vì ông tôn trọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và cho rằng các lệnh trừng phạt đó không cần thiết. Do đó, giới phân tích nhận định ông Trump có thể đang cố gắng xoa dịu những căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng trước nguy cơ Triều Tiên rút khỏi các cuộc đối thoại hạt nhân.
4. Chính trường Thái Lan trước giờ G
Sau nhiều lần trì hoãn, Thái Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử được kỳ vọng sẽ tái lập chính quyền dân sự kể từ sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ năm 2014.
Hôm qua, các đảng chính trị ở Thái Lan tiến hành đợt vận động cuối cùng trước khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 24.3 để chọn ra đảng cầm quyền mới có thể thành lập chính phủ thay thế chính quyền quân sự.
 |
Người dân đứng cạnh tấm bảng in hình Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: Reuters. |
Sau khi tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck năm 2014, quân đội Thái Lan cam kết sẽ cho tiến hành bầu cử nhưng kế hoạch nhiều lần bị trì hoãn vì những lý do khác nhau.
Theo khảo sát thì có tới hơn 80% số người được hỏi khẳng định rằng họ sẽ đi bỏ phiếu. Điều này là một dấu hiệu căn bản để cho thấy cử tri Thái quan tâm tới bầu cử thế nào. Nó trái ngược hoàn toàn với lần trưng cầu ý dân về hiến pháp diễn ra cách đây 2 năm khi chỉ có khoảng 60% cử tri đi bỏ phiếu.
5. Biểu tình phản đối chính phủ kéo dài ở Algeria
Ngày 22-3, hàng chục nghìn người Algeria tiếp tục tập hợp biểu tình, tuần hành ở thủ đô Algiers để phản đối chính phủ cũng như Tổng thống Bouteflika, đánh dấu tròn 1 tháng diễn ra các hoạt động trên.
Cũng giống như 3 ngày thứ 6 trước đây (ngày cầu nguyện của người Hồi giáo), số lượng người biểu tình tại Algiers đã lên mức đông chưa từng thấy và khiến nhiều tuyến phố bị tắc nghẽn trong nhiều giờ.
 |
Ảnh: aljazeera.com. |
Lực lượng an ninh cho biết, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở 42 trên tổng số 48 tỉnh, thành của Algeria. Theo nhận định của các nhà ngoại giao nước ngoài, kể từ khi bắt đầu, các hoạt động biểu tình đã thu hút sự tham gia của hàng triệu người Algeria.
Ngày 18-3, Tổng thống Bouteflika bác bỏ kêu gọi từ chức và khẳng định sẽ chỉ tổ chức bầu cử để chọn người kế nhiệm sau khi tổ chức một hội nghị quốc gia và bản hiến pháp mới được chấp thuận. Năm nay 82 tuổi, ông Bouteflika đã cầm quyết suốt 2 thập kỷ nhưng hiếm khi xuất hiện công khai sau khi bị đột quỵ cách đây 5 năm.
6. Đàm phán thương mại với Mỹ-Trung đang có tiến triển
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-3 nhấn mạnh các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang có tiến triển và một thỏa thuận cuối cùng có thể được ký kết.
Đồng thời, ông nói thêm việc tuyên bố có thể áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc "trong một khoảng thời gian" không có nghĩa là tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: vox.com. |
Theo kế hoạch, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc vào tuần tới để tham gia vòng đàm phán thương mại, được đánh giá là đang bước vào giai đoạn cuối cùng nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài suốt tám tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ và Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến thương mại sau khi hai bên trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế áp lên hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị tăng thuế của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
KHÁNH NGÂN (tổng hợp)