1. Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều lần hai: Thu hẹp khoảng cách hai bên

Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc ngày 28-2 mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. Hai đoàn đã rời địa điểm họp thượng đỉnh sớm hơn dự kiến và cũng không có cuộc ăn trưa chung giữa hai đoàn như kế hoạch trước đó.

Tổng thống Donald Trump cho biết, khúc mắc chính trong đàm phán khiến hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này là do bất đồng liên quan tới việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Về phía Triều Tiên, Ngoại trưởng nước này Ri Yong Ho trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào lúc hơn 0 giờ ngày 1-3, cho biết Bình Nhưỡng đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong cuộc gặp. Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận và chỉ yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ 5. Nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận, Triều Tiên sẽ vĩnh viễn tháo dỡ các cơ sở hạt nhân và để chuyên gia Hoa Kỳ vào thanh sát.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tham gia cuộc họp thượng đỉnh, diễn ra tại khách sạn Metropole, Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn.

Dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ". Theo ông Trump, tầm nhìn phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang xích lại gần nhau và ông cũng để ngỏ cơ hội cho các cuộc gặp Hoa Kỳ - Triều tiếp theo. Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, ngược lại nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bảo đảm rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa trong thời gian tới. Đây là bước tiến cụ thể mà cuộc gặp mang lại.

Cuộc gặp tại Hà Nội đã giúp hai bên thu hẹp khoảng cách và tạo cơ hội hiểu rõ hơn quan điểm của nhau trong những vấn đề còn nhiều khúc mắc. Xu thế đối thoại vẫn đang được duy trì khi cả hai bên đều phát đi những thông điệp sẵn sàng nỗ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

2. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt tiến bộ đáng kể

Vòng đàm phán mới nhất về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc tại thủ đô Washington đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong một số vấn đề trọng yếu.

Ảnh minh họa: Enterpreneur   

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị hơn 200 tỷ USD từng dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1-3, Washington và Bắc Kinh tiếp tục có thêm thời gian đàm phán để đi tới một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để chốt thỏa thuận.

Trong các cuộc đàm phán nước rút, đại diện hai nước đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cơ cấu quan trọng nhất, gồm bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và các cơ chế thực thi. Hai bên đã bắt đầu thảo luận về Bản ghi nhớ (MOU), mong muốn thể hiện những kết quả đạt được trong các vòng đàm phán trước đây bằng hình thức văn bản, coi đây là nền tảng để tiếp tục thương lượng.

Sau cuộc đàm phán mới nhất tổ chức tại Washington, dù chưa thể coi là đột phá, song việc thu hẹp được những khác biệt then chốt phần nào cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực tránh sự bế tắc hoàn toàn.

3. Hội nghị thượng đỉnh EU – AL: Hợp tác để đối phó với thách thức chung

Ngày 25-2, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu – Liên đoàn Arab (EU-AL) với chủ đề “Đầu tư vào sự ổn định” đã khép lại sau 2 ngày làm việc tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Vấn đề an ninh cũng như những nỗ lực chống khủng bố là nội dung thảo luận chính trong bối cảnh vẫn còn nhiều quan ngại về những phần tử cực đoan xuất hiện ở nhiều nước.

Hội nghị thượng đỉnh EU và Arab nhấn mạnh tăng cường hợp tác đối phó với thách thức chung. Ảnh: Getty.

Trong tuyên bố được phát đi sau hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và AL nêu rõ hai bên đã trao đổi các phương thức tăng cường quan hệ và giải quyết các thách thức chung.

Tuyên bố tái khẳng định lập trường chung về tiến trình hòa bình Trung Đông, khẳng định cam kết ủng hộ tiến tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine; ủng hộ nỗ lực của Liên hiệp quốc giải quyết các cuộc xung đột tại Syria, Libya và Yemen.

Các nhà lãnh đạo EU và AL nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp nhằm giải quyết căn nguyên của khủng bố, nhấn mạnh cần cách tiếp cận toàn diện trong nỗ lực giải quyết các thách thức này, theo đó ngăn chặn tất cả các phương thức hậu thuẫn khủng bố bao gồm hỗ trợ tài chính, chính trị, hậu cần và hỗ trợ vũ trang. 

Về hợp tác kinh tế, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương, thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên đầu tư và phát triển bền vững. EU và AL cam kết phát triển một lộ trình hợp tác tích cực trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoa học, công nghệ, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực đem lại lợi ích chung.

Hội nghị thượng đỉnh EU - AL là sự kiện chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa EU và AL và được các nước tham dự kỳ vọng sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ tương lai giữa hai bên.

4. Căng thẳng dọc biên giới, Venezuela cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia

Ngày 24-2, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Venezuela và Colombia đã bùng phát khi ít nhất 2 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã bị đốt cháy khi phe đối lập đang tìm cách đưa hàng viện trợ vào lãnh thổ Venezuela, bất chấp sự phản đối của chính phủ. Những đối tượng quá khích của phe đối lập đã đốt 2 chiếc xe này nhằm đổ lỗi cho lực lượng an ninh Venezuela và tạo cớ để gây bất ổn tình hình.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ chính trị, ngoại giao với Colombia. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia, cáo buộc Bogota hậu thuẫn một cách trắng trợn âm mưu gây bất ổn và lật đổ chính quyền hợp hiến mà phe đối lập Venezuela đang tiến hành. Ông Maduro yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao và lãnh sự Colombia phải rời khỏi lãnh thổ Venezuela trong thời hạn 24 giờ.

Ngay sau đó, Colombia cũng ra tuyên bố rút toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình tại Caracas về nước. Tuyên bố nêu rõ, Colombia "không công nhận tính hợp hiến của Tổng thống Maduro và chỉ công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời" và sẽ "quy toàn bộ trách nhiệm" cho chính quyền của Tổng thống Maduro nếu có bất kỳ sự tấn công hay không thừa nhận quyền lợi của các nhà ngoại giao Colombia tại Venezuela.

Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro, cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido. Trong khi đó, các nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro.

5. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan leo thang căng thẳng bởi tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir.

Căng thẳng lần này bùng phát sau khi Không quân Ấn Độ ngày 26-2 tiến hành không kích trại huấn luyện của nhóm Jaish-e-Mohammad (JeM) ở Balakot, Pakistan, hành động phía Islamabad cho là "có chủ ý". Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ quyết định không kích dựa trên việc Pakistan chưa có hành động chống các nhóm khủng bố. Trước đó, vụ đánh bom liều chết mà JeM tuyên bố thực hiện tại Pulwama thuộc Kashmir khiến hơn 40 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng, làm dấy lên làn sóng bất bình và phẫn nộ trên khắp Ấn Độ. Người dân kêu gọi chính phủ của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đáp trả Pakistan "thích đáng".

Chiến đấu cơ Ấn Độ. Ảnh: indianairforce.nic.in.

Người dân Pakistan cũng đòi Islamabad phải đáp trả "lập tức và rõ rệt" vụ không kích trên. Chỉ trong vài giờ sau cuộc không kích ở Balakot, Pakistan bắt đầu bắn phá các chốt quân sự của Ấn Độ gần LoC. Một ngày sau đó, Không quân Pakistan vượt qua ranh giới này vào bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, khiến nước này phải đóng cửa ít nhất 4 sân bay ở miền Bắc.

Ngày 27-2, quân đội Pakistan tuyên bố bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công. Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định không muốn gây căng thẳng nhưng luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống cần thiết.

Kashmir là một vùng có đa số người theo đạo Hồi sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng Nam Á này. Hiện Kashmir đang được chia đôi, trong đó Ấn Độ và Pakistan quản lý mỗi phần. Quan hệ giữa hai nước liên tục căng thẳng do đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này.  

THANH SƠN (tổng hợp)