Theo thông tin mới nhất công bố ngày 16-4, đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được dập tắt hoàn toàn và hiện các chuyên gia đang đánh giá phần khung đã bị cháy đen của nhà thờ này để cân nhắc những bước đi tiếp theo nhằm cứu những phần còn sót lại sau thảm họa. Ngay trong sáng 16-4, các kiến trúc sư và chuyên gia đã gặp gỡ để xác định xem liệu phần khung của công trình kiến trúc này có ổn định hay không. Gần 500 lính cứu hỏa được huy động để khống chế đám cháy.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của nhà thờ có niên đại 850 năm được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá do đám cháy. Đỉnh mái của nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh đã đổ sập. Ngọn lửa bùng lên ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Đám cháy xảy ra trong bối cảnh cộng đồng Công giáo đang chuẩn bị tổ chức Lễ Phục sinh, dự kiến vào ngày 21-4 tới. Ông André Finot, người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris cho biết, các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ và không có nguy cơ bị cháy. Một số tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ được bảo toàn và đưa đi cất giữ ở một nơi an toàn.
 |
Phần đỉnh mái của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập do đám cháy lớn. Ảnh: AP |
Đám cháy bùng lên tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào chiều 15-4 (giờ địa phương) theo nhận định ban đầu của lực lượng cứu hỏa, nguyên nhân có thể liên quan tới công tác sửa chữa đang được tiến hành bên trong Nhà thờ. Giới chức Pháp đang điều tra thảm họa cháy này theo hướng tai nạn, nguyên nhân có thể liên quan đến công tác phục chế đang tiến hành trong nhà thờ. Văn phòng công tố Paris cho biết đã mở cuộc điều tra để tìm nguyên nhân của vụ hỏa hoạn tồi tệ này. Có khả năng ngọn lửa đã bùng phát từ công trường cải tạo phần đỉnh mái của nhà thờ. Dự án tôn tạo Nhà thờ Đức Bà Paris, bị xuống cấp nghiêm trọng và nằm trong danh sách 250 di sản của Pháp đang trong tình trạng nguy hiểm, bắt đầu từ tháng 8-2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15-4 để tới hiện trường vụ cháy. Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả tài năng đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này. Cùng ngày, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo kêu gọi tổ chức hội nghị tài trợ quốc tế để chung tay phục dựng lại kiệt tác kiến trúc này.
Sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại công trình biểu tượng cho văn hóa Pháp và châu Âu, nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn tới nước Pháp, đồng thời đề xuất chung tay xây dựng lại biểu tượng văn hóa này. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh đây là “tấn thảm kịch đối với nước Pháp, Tây Ban Nha và toàn châu Âu”, phá hủy biểu tượng của “hơn 850 năm lịch sử, kiến trúc, hội họa và điêu khắc”. Ông đồng thời cho biết, Tây Ban Nha sẵn sàng hỗ trợ Pháp phục dựng lại công trình này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo hai quốc gia Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng gửi lời chia buồn, đồng thời ngỏ ý hỗ trợ Chính phủ Pháp khôi phục nhà thờ. Ngay trong ngày 15-4, người dân trên toàn nước Mỹ đã phát động các cuộc quyên góp để gây quỹ phục dựng Nhà thờ Đức Bà-một trong những địa điểm du lịch được yêu thích của người dân nước này, theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ủy viên Ủy ban về thể dục, thể thao, du lịch và thanh niên của Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) Dmitry Svishchev gọi thảm họa cháy ở Paris là bài học cho tất cả các nước về cách bảo vệ, duy trì và chăm sóc các di sản văn hóa, công trình kiến trúc cổ. Ông Svishchev cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân và đưa ra các biện pháp ngăn chặn những thảm họa như vậy trong tương lai.
Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ 12. Quá trình thi công công trình này diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm (từ năm 1163 đến 1345) sau đó. Nhà thờ này đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Mỗi năm, địa điểm này thu hút từ 12 đến 14 triệu lượt khách tham quan, tương đương trung bình khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hóa… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh Thiên chúa giáo phương Tây.
XUÂN PHONG