Với chỉ 0,7 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào cuối năm 2023, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc dân số nước này đang già đi và suy giảm nhanh chóng. Để thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh, chính quyền Seoul đã đầu tư nhiều tỷ USD cùng với những hỗ trợ đặc biệt, trong đó có đề xuất trợ cấp cho việc đông lạnh trứng.

Công nghệ đông lạnh trứng đã có ở Hàn Quốc từ cuối thập niên 1990, nhưng phương pháp này ít được biết đến và nhu cầu thấp. Cha Kwang-yul, người đứng đầu Trung tâm Y tế CHA Bundang ở Seongnam, Hàn Quốc, cho biết trước đây chỉ những phụ nữ mắc bệnh ung thư có nguy cơ mất khả năng sinh sản mới quan tâm đến phương pháp này. Gần đây, văn hóa đã thay đổi và mọi người bắt đầu nói “nếu bạn không kết hôn, hãy để dành trứng của mình”.

leftcenterrightdel

Các nhà nghiên cứu đang kiểm tra trứng đông lạnh tại Trung tâm Y tế CHA Bundang ở Seongnam, Hàn Quốc. Ảnh: sciencesetavenir.fr 

Về mặt lý thuyết, đông lạnh trứng cho phép phụ nữ duy trì khả năng sinh sản của mình. Nhưng cơ hội thành công sẽ cao hơn đối với những người thực hiện trước khi chất lượng trứng bắt đầu suy giảm, thường là từ tuổi 38. Chính quyền thành phố Seoul coi việc giúp phụ nữ đông lạnh trứng là giải pháp thiết thực nhất để đầu tư vào khả năng sinh con trong tương lai. Chính quyền Seoul nhấn mạnh, khi độ tuổi kết hôn và sinh con tiếp tục giảm và sự tham gia của phụ nữ vào xã hội trở nên quan trọng hơn thì cần quan tâm hơn tới những phụ nữ độc thân mong muốn có thể thụ thai và sinh con trong tương lai.

Tuy nhiên, chương trình này sẽ chỉ giúp đỡ những phụ nữ kết hôn và sinh con thông qua thụ tinh trong tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vì những thủ tục này thực tế không thể thực hiện được đối với các cặp đôi độc thân hoặc đồng giới bởi các bệnh viện đều yêu cầu người muốn sinh con phải trình giấy chứng nhận kết hôn.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, trợ cấp đông lạnh trứng sẽ không giải quyết hiệu quả tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc. Thanh niên Hàn Quốc tự mô tả mình là thế hệ "n-Po"-là những người từ bỏ nhiều mục tiêu của người lớn tuổi như kết hôn, làm cha mẹ và sở hữu nhà. Thống kê cho thấy, năm 2022, có 3,7 cuộc hôn nhân trên 1.000 người ở Hàn Quốc, một mức thấp lịch sử. Hiện các hộ gia đình độc thân chiếm 41% tổng số hộ gia đình ở xứ sở kim chi. Tuy nhiên, việc làm cha mẹ đơn thân vẫn bị kỳ thị và gạt ra ngoài lề ở đất nước này. Năm 2020, chỉ có 2,5% trẻ sơ sinh Hàn Quốc được sinh ra ngoài giá thú, so với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 40%.

THU UYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.