Mùa xuân năm 2018, ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình. Khi đó, nhiều người bán tín bán nghi: “Liệu Mỹ có bán lại Alaska cho Nga sau hơn 150 năm mua vùng đất này với giá 7,2 triệu USD hay không?”. Một trong những cố vấn của tổng thống khi đó thốt lên: “Chúng ta thực sự không cần Alaska nữa. Alaska nằm ở phía Bắc Canada, cách xa mọi nơi, và thành thật mà nói, việc đầu tư vào đây ngày càng trở nên nhàm chán và tốn kém”. Những người trong phe Cộng hòa còn tính toán: Alaska có thể được bán lại cho Nga với giá 10 tỷ USD, đủ để tài trợ cho việc xây dựng bức tường ngăn cách Mỹ với Mexico.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào mùa Xuân năm 2025. Alaska hiện là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thậm chí, miền đất này còn được nhắc đến trong bài phát biểu chính sách chung của ông chủ Nhà Trắng. “Chính quyền Mỹ đang triển khai một dự án đường ống dẫn khí khổng lồ ở Alaska, một trong những dự án lớn nhất thế giới, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác có thể là đối tác của chúng tôi. Mọi thứ đã sẵn sàng”, ông Donald Trump nói.
 |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mở rộng khai thác khí đốt và dầu mỏ ở Alaska. Ảnh: ADOBE STOCK |
Theo Florian Vidal, nhà nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Tromsø ở Na Uy, Mỹ thực sự muốn sở hữu Alaska lâu dài. Về mặt địa lý, Anchorage - thành phố lớn nhất ở Alaska - cách Washington hơn 4.000km. Về lịch sử, khi Alaska được Mỹ mua lại của Nga vào năm 1867, rất ít người Mỹ biết đến vùng đất này. Những người biết đến Alaska đều coi nơi này như một vùng đất cằn cỗi, hoang vu, chẳng có gì. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông State Seward bỏ ngoài tai mọi lời phản đối và tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận. Cuối cùng, ông đã đàm phán được mức giá 7,2 triệu USD. “Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, khu vực này vẫn tương đối yên tĩnh, trong khi, về mặt logic, nó phải là một nơi có căng thẳng rất cao”, nhà nghiên cứu Vidal nhấn mạnh.
Nhưng điều đó diễn ra rất lâu trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Nga đối với Bắc Cực. Tiến sĩ Jean-Sylvestre Mongrenie ở Viện Thomas More giải thích: “Trong trường hợp không thể mua lại Greenland hoặc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, thì việc sở hữu Alaska chính là điều khiến Mỹ trở thành cường quốc Bắc Băng Dương. Nó cung cấp cho Mỹ một biên giới hàng hải bao phủ khoảng 1/10 đường bờ biển của đại dương. Đây là một tài sản không thể thiếu đối với ông Donald Trump, người coi vùng Viễn Bắc là biên giới mới của Mỹ”.
Theo giới quan sát, mối quan tâm của ông Donald Trump đối với vùng lãnh thổ Alaska có 740.000 dân chủ yếu tập trung vào các vấn đề năng lượng, tài chính và quân sự. Tuyến đường biển phía Bắc, con đường biển nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, đi qua vùng biển Alaska. Từ năm 2017, lưu lượng giao thông ở đây tăng nhanh trong khi lượng hàng hóa tăng từ 3 triệu tấn lên 37 triệu tấn. “Hãy xem xét khoản tiết kiệm chi phí khổng lồ mà các đường Bắc Cực mang lại. Chúng tiết kiệm khoảng 10 ngày thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu, giảm khoảng 50% so với các tuyến đường truyền thống. Với sự gia tăng quân sự của Nga ở Bắc Cực và dự án “Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Trung Quốc, tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Alaska đang ngày càng tăng”, Mark Kennedy, Giám đốc Viện Wahba về cạnh tranh chiến lược tại Washington, tóm tắt trong một bài phân tích được công bố vào năm 2022.
Ngoài ra, Alaska có nguồn dự trữ nguyên liệu thô dồi dào và gần như còn nguyên vẹn. Thường được thảo luận nhưng chưa bao giờ thực sự được triển khai do tính phức tạp và chi phí (44 tỷ USD), dự án khai thác tài nguyên ở Alaska có từ những năm 70 của thế kỷ trước đã thu hút được sự chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trước khi bị Tổng thống kế nhiệm Joe Biden gác lại do tác động đến môi trường. Trong sắc lệnh hành pháp gần đây, Tổng thống Donald Trump nêu ý định xóa bỏ các rào cản đối với việc phát triển năng lượng tại bang Alaska.
Thực hiện lệnh hành pháp trên, ngày 20-3, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Doug Burgum đã công bố các bước nhằm mở rộng diện tích đất cho thuê dầu khí và dỡ bỏ các hạn chế trong việc xây dựng đường ống LNG và đường khai thác mỏ ở Alaska. Theo Bộ trưởng Burgum, Bộ Nội vụ có kế hoạch mở lại 82% Khu dự trữ dầu mỏ quốc gia Alaska, hiện đang được cho thuê để phát triển và mở lại 600.000ha đồng bằng ven biển, thuộc Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực, để cho thuê khai thác dầu khí. Chính phủ Mỹ cũng sẽ hủy bỏ các hạn chế đối với đất dọc theo Hành lang đường ống xuyên Alaska và đường cao tốc Dalton phía Bắc sông Yukon, chuyển giao đất cho chính quyền bang Alaska. “Đã đến lúc Mỹ tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào và chưa được khai thác của Alaska như một con đường dẫn đến sự thịnh vượng cho quốc gia, bao gồm cả người dân Alaska”, Bộ trưởng Burgum khẳng định.
BÌNH NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.