Đúng người, đúng thời điểm

Quyết định “chọn mặt gửi vàng” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử được coi là bước đi chiến lược nhằm tạo tiền đề cho một cuộc cải tổ nội các toàn diện. Bà Elisabeth Borne trở thành người phụ nữ thứ hai giữ chức vụ thủ tướng đất nước hình lục lăng trong vòng 3 thập kỷ qua.

Trước đó, bà Edith Cresson từng đảm nhiệm vị trí này trong giai đoạn 1991-1992 dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand. “Đây thực sự là thời điểm cần có một người phụ nữ khác ở vị trí này và tôi biết bà Borne là một người nổi bật với nhiều kinh nghiệm. Đó là một lựa chọn rất tốt”, bà Cresson nhận định trên kênh truyền hình Pháp BFM.

Theo Le Monde, Thủ tướng Borne từng giữ 3 vị trí bộ trưởng quan trọng về giao thông, môi trường và lao động trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron, cũng như nhiều cương vị cấp cao trong các tập đoàn tư nhân và nhà nước trước khi bắt đầu con đường chính trị.

  Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Ảnh: AFP

Nữ chính trị gia 61 tuổi được đánh giá là người giàu kinh nghiệm, có hiệu suất làm việc cực kỳ đáng nể và phong cách quyết liệt. Đây chính là điều mà Tổng thống Macron tìm kiếm. Trong bối cảnh chính trường và xã hội Pháp bị chia rẽ sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ông chủ Điện Elysee cần một “người cộng tác” nhanh chóng bắt tay vào xử lý các vấn đề khó khăn hiện nay. Mặt khác, xuất thân từ Đảng Xã hội cánh tả nhưng lại là một nhân vật kỹ trị nên bà Borne còn có thể giúp Tổng thống Pháp làm hài hòa cả cánh tả và cánh hữu.

Thách thức không nhỏ

Nhiệm vụ đầu tiên của Thủ tướng Borne là sớm thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, Đảng Phục hưng (mới được đổi tên từ Đảng Nền cộng hòa tiến bước) cầm quyền của Tổng thống Pháp bao gồm nhiều nhân vật đến từ các đảng phái chính trị khác nhau muốn liên minh để nắm quyền.

Vì vậy, sau khi ông Macron tái cử, việc chia sẻ quyền lực giữa những lực lượng này không hề đơn giản. Ngay sau lễ bổ nhiệm bà Borne, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh: “Với chính phủ mới, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động không mệt mỏi vì người dân Pháp trong các vấn đề ưu tiên, như: Hệ sinh thái, việc làm, phục hưng dân chủ, châu Âu và an ninh”.

Thêm vào đó, vấn đề chia sẻ quyền lực càng quan trọng hơn đối với Tổng thống Macron và Thủ tướng Borne để thu hút các đảng phái và nhóm cử tri khác, qua đó gia tăng khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng tới nhằm đối mặt với thách thức từ phía chính trị gia Jean-Luc Melenchon, người về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Riêng với Thủ tướng Borne, cuộc bầu cử quốc hội tới đây cũng là một phép thử lớn khi ra tranh cử nghị sĩ tại tỉnh Calvados-quê nhà của mẹ bà. Trong quá khứ, bà chưa từng tranh cử và chưa từng được bầu vào các vị trí dân cử như nghị sĩ quốc hội hay ủy viên hội đồng địa phương.

Trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình sau buổi bàn giao công việc với người tiền nhiệm Jean Castex, Thủ tướng Borne đã đề cập tới một số ưu tiên trong chính sách sắp tới, như: Chống biến đổi khí hậu và thương mại.

Thủ tướng Pháp sẽ cần bảo đảm rằng tất cả quyết định của chính phủ đều phù hợp với mục tiêu cắt giảm khí thải của nước này, sau nhiều năm Paris chưa đạt mục tiêu đề ra; xúc tiến các ưu tiên trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Macron, bao gồm cải cách hưu trí-vấn đề có thể gây nguy cơ châm ngòi biểu tình; hay xây dựng một gói chính sách về sức mua nhằm đối phó với việc lạm phát đang tăng cao. Đây đều là những vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp, gai góc và được người dân Pháp quan tâm.

VĂN HIẾU