Phong tục đón Tết

Giống như Việt Nam và nhiều quốc gia có Tết Nguyên đán, những ngày trước Tết là thời điểm nhộn nhịp và đầy “hương vị Tết” nhất. Các gia đình Hàn Quốc tranh thủ thời gian đi mua sắm, chuẩn bị đồ thờ cúng và cả quà tặng cho người thân và bạn bè. Đối với người Hàn Quốc, việc tặng quà trong ngày Seollal thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn.

Trẻ em Hàn Quốc được phụ huynh mua trang phục truyền thống để mặc trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Aquareveal 

Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Theo quy định chung của Chính phủ Hàn Quốc, các công sở thường đóng cửa, cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 29 (hoặc 30) của tháng 12 âm lịch năm cũ cho đến hết ngày mùng 2 Tết. Tuy nhiên, tùy theo chức năng, nhiệm vụ riêng của từng đơn vị và cá nhân người lao động mà có thể nghỉ dài hơn. Đối với chung cả xã hội và nhiều gia đình người Hàn Quốc thì không khí Tết còn kéo dài đến qua ngày trăng tròn đầu tiên trong năm, được gọi là ngày Daeboreum, mà ở Việt Nam vẫn gọi là Tết Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng). 

Cũng giống như Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác, những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ trong sự hòa thuận, yêu thương và mọi người đều mặc trang phục đẹp, lịch sự, nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp nhất. 

Nghi lễ truyền thống

Lễ cúng gia tiên

Buổi sáng đầu năm mới bắt đầu với nghi lễ cúng gia tiên (Charye). Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhằm bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên và cầu cho năm mới bình an. Các thành viên trong gia đình mặc trang phục truyền thống hanbok và tập trung trước ban thờ để thực hiện nghi lễ này.

Buổi sáng đầu năm mới của người Hàn Quốc bắt đầu với nghi lễ cúng gia tiên. Ảnh: KKday

Theo phong tục, mâm cúng là một trong những truyền thống quan trọng và thường có khoảng 20 món ăn khác nhau mang một ý nghĩa riêng. Đáng chú ý là trên mâm cúng tổ tiên, người Hàn Quốc tránh những món ăn có mùi như: tỏi, bột ớt đỏ, tiêu. Vì thế các món như kim chi cải thảo thường xuyên xuất hiện trong mỗi bữa cơm này lại không được trưng bày lên mâm cúng. Táo và lê là một trong các loại quả được trưng bày lên mâm cúng. Người Hàn Quốc không đặt đào lên mâm cúng bởi vì họ quan niệm rằng quả đào có thể xua đuổi các linh hồn của tổ tiên.

Cúi lạy chào năm mới

Sau lễ cúng gia tiên là lễ Sebae - nghi thức cúi lạy chào năm mới. Đây là lúc thế hệ trẻ thể hiện lòng thành kính của mình với các bậc bề trên bằng cách bái lạy. Khi cúi lạy, họ dang rộng cánh tay và quỳ xuống sàn nhà. Nữ thì đặt bàn tay phải lên bàn tay trái còn nam thì ngược lại. Sau đó họ tặng quà cho người lớn tuổi hơn (thường là ông bà, cha mẹ). Người lớn đáp lại bằng những lời chúc tốt đẹp hay lời chúc năm mới thịnh vượng như ý. Còn với trẻ nhỏ, sau khi cúi đầu chào năm mới và chúc Tết, thì sẽ được người lớn thưởng tiền mừng tuổi hoặc có thể là vàng, ngọc hay các vật dụng khác (giống với phong tục “lì xì” của người Việt Nam). Còn nếu là người trưởng thành thì sẽ nhận rượu hoặc thức ăn.

Nghi thức cúi lạy chào năm mới là lúc thế hệ trẻ thể hiện lòng thành kính của mình với các bậc bề trên. Ảnh: The Korea Herald

Cả nhà sau đó quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng tổ tiên. Rồi mọi người sẽ đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, viếng chùa ngày xuân. Câu chúc Tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa là “mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”.

Đón lộc vào nhà

Trong những ngày này, nhà nhà đều treo Bokjori. Bokjori được ghép bởi chữ “Bok” (phúc) và chữ “Jori” (dụng cụ để sàng gạo, hình thức hơi giống chiếc xẻng). Jori là một dụng cụ thô sơ xuất hiện từ thời Joseon giúp lọc sạn có trong gạo.

Một xưởng sản xuất Bokjori để phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Yonhap  

Người Hàn Quốc tin rằng vào dịp năm mới nếu mua Bokjori từ giữa đêm giao thừa đến đầu buổi sáng mùng 1 rồi treo trước hiên nhà thì sẽ nhận được nhiều may mắn. Những chiếc “xẻng lộc” được treo trên tường, góc phòng hoặc treo ngoài cửa trong dịp năm mới. Trước đây, xẻng hứng lộc Bokjori chỉ được làm từ rơm và tre. Ngày nay chúng còn được trang trí với những sợi dây đầy màu sắc.

Các trò chơi dân gian

Người Hàn Quốc rất chú trọng việc bảo tồn và duy trì những giá trị truyền thống, trong đó vào mỗi dịp Tết, mọi người thường tham gia vào các trò chơi dân gian để gắn kết nhau hơn.

- Chơi gậy (Yutnori): Là một trong những trò chơi truyền thống của người Hàn Quốc trong ngày Seollal. Trò chơi này thường được chia thành hai đội, mỗi đội lần lượt ném gậy lên (cây gậy có vai trò như xúc xắc) để quyết định bước đi của người chơi. Đội nào đến đích trước thì đội đó sẽ thắng.

Trẻ em Hàn Quốc chơi trò Chơi gậy (Yutnori). Ảnh: Yonhap

- Ném mũi tên (Tuho): Trò chơi này trước đây thường dành cho gia đình hoàng tộc, các tầng lớp thượng lưu nhưng sau đó rất phổ biến trong toàn xã hội Hàn Quốc. Người chơi sẽ ném mũi tên đó vào một chiếc bình gỗ để sẵn. Người ném vào bình nhiều nhất sẽ là người chiến thắng.

- Bập bênh (Neolttwigi): Tương tự như trò bập bênh ở Việt Nam, người chơi phải đứng ở hai đầu bập bênh và nhảy lên làm cho đối phương bay lên cao. Đôi khi có những “người chơi” chuyên nghiệp có những cú nhào lộn trên không làm cho ngày Tết càng trở nên nhộn nhịp và tưng bừng hơn.

- Đá cầu (Jegichagi): Giống với trò chơi đá cầu ở Việt Nam, nhưng chất liệu trái cầu lại khác. Nó được làm từ đồng xu của Hàn Quốc bao bọc xung quanh là những tờ giấy vải đủ màu sắc làm cho trái cầu trở nên nổi bật hơn bao giờ. Bộ môn này có thể chơi cá nhân hoặc là chơi theo nhóm. 

- Thả diều (Yeonnalligi): Diều của người Hàn Quốc được làm từ giấy truyền thống và cây tre với nhiều hình thù khác nhau như hình vuông, cá đuối, bạch tuộc... Trên thân diều, họ ghi lên những câu chúc may mắn, sức khỏe. Người Hàn Quốc quan niệm rằng chơi thả diều trong ngày Seollal thì sẽ bay đi những vận xấu.

MINH ANH (theo Korea Times)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.