Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7-7 vừa qua tại Mông Cổ, ông Khan-ma Bát-tun-ga, ứng viên Đảng Dân chủ (DP) đối lập, đã giành được chiến thắng và trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước. Ngay khi lên nắm quyền, ông Bát-tun-ga cam kết sẽ lập tức bắt tay vào giải quyết những khó khăn về kinh tế và làm cho người Mông Cổ thoát khỏi cảnh nợ nần. Để thể hiện quyết tâm của mình, vị Tổng thống này đã quyết định trở thành tấm gương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giới cầm quyền của Mông Cổ.

Báo chí Mông Cổ cho biết, ông Bát-tun-ga quyết định sẽ không sống trong dinh tổng thống mà sẽ sống trong ngôi nhà khiêm nhường của ông trên đại lộ Bưu điện trung ương ở thủ đô U-lan Ba-to. Hơn thế nữa, ông còn dự định sẽ đi bộ đến chỗ làm (nơi ở của ông chỉ cách chỗ làm chừng nửa cây số). Cũng theo báo chí Mông Cổ, tân Tổng thống Bát-tun-ga quyết định như vậy vì hy vọng các quan chức cao cấp khác cũng sẽ noi theo gương ông và từ bỏ những đặc quyền đặc lợi lớn lao mà họ đang được hưởng.

leftcenterrightdel
Tân Tổng thống Mông Cổ Khan-ma Bát-tun-ga trong một cuộc họp báo ngày 8-7. Ảnh: Reuters 

Nền kinh tế Mông Cổ đang trong giai đoạn tăng trưởng khó khăn. Năm 2016, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng chưa tới 1%, ngược hẳn với tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng 17% hồi năm 2011. Mông Cổ bị tác động mạnh khi giá đồng - mặt hàng xuất khẩu chính của nước này - bị rớt giá hơn 50% trong 5 năm qua, trong khi sức tăng trưởng chậm ở khách hàng lớn nhất (Trung Quốc) gây khó khăn cho kinh tế Mông Cổ.

Còn nhớ trong diễn văn nhậm chức tổng thống tại quảng trường Độc Lập thuộc thủ đô U-lan Ba-to, ông Bát-tun-ga đã cam kết phục hồi nền kinh tế đang kiệt quệ và theo đuổi chính sách đối ngoại rộng mở. Trong đó, ông cam kết sẽ dựa vào tài nguyên mỏ của Mông Cổ để giúp đất nước thoát món nợ 5,5 tỷ USD được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bảo lãnh; đồng thời cam kết hướng tới các mối quan hệ với nước ngoài đem lại lợi ích một cách cân bằng và tập trung vào "chính sách nước láng giềng thứ ba", một động thái nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa Mông Cổ với Mỹ, Nhật Bản, Đức và các nước khác ngoài Nga và Trung Quốc, những quốc gia chiếm 80% xuất khẩu của Mông Cổ.  

Tân Tổng thống Mông Cổ cũng cam kết chống lại nạn mua bán chức quyền, vốn làm cho tình trạng tham nhũng, tiêu cực có cơ hội sinh sôi, phát triển như nấm sau mưa; đồng thời hứa sẽ xử lý nạn thất nghiệp - một trong những vấn đề người dân Mông Cổ rất quan tâm. Trước đó, nhà lãnh đạo 54 tuổi này từng đặt cương lĩnh tranh cử “Mông Cổ trước hết” để lôi kéo thế hệ trẻ, vì một nửa dân số nước này dưới 30 tuổi. Theo nhà báo A-đri-an Brao (Adrian Brown) của đài Al Jazeera, chính cương lĩnh này cùng những cam kết cứng rắn đã mở ra cơ hội thắng cử cho ông Bát-tun-ga.

Trước khi bước chân vào chính trường, ông Bát-tun-ga đã nổi tiếng từ khi còn là một ngôi sao võ thuật Mông Cổ. Cha của ông là một huấn luyện viên đấu vật truyền thống Mông Cổ. Ông Bát-tun-ga cũng là một thành viên của đội đấu vật Mông Cổ từ năm 1979-1990. Ông đã giành được chức vô địch thế giới tại U-lan Ba-to năm 1989. Đấu vật cho phép ông đi khắp nơi trên thế giới trong khi người dân Mông Cổ không được phép du lịch nước ngoài. Vào năm 1995, ông Bát-tun-ga đã được trao tặng danh hiệu Merited Sportsmen của Mông Cổ, sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Judo Mông Cổ vào năm 2006. Dưới sự dẫn dắt của ông Bát-tun-ga, Mông Cổ đã có Nhà vô địch Olympic lần đầu tiên trong lịch sử. Riêng bản thân ông Bát-tun-ga cũng từng là nhà vô địch thế giới môn võ Sambo, một loại võ truyền thống của Nga.

Bên cạnh việc nổi tiếng về võ thuật, tên tuổi của ông Bát-tun-ga cũng nhận được nhiều sự chú ý với những dự án kinh doanh và đầu tư tiếng tăm. Ông sở hữu nhiều bất động sản và vẫn duy trì hoạt động kinh doanh với một khách sạn, một công viên vui chơi giải trí theo chủ đề Thành Cát Tư Hãn và nhiều công ty thực phẩm chuyên về thịt và món nướng.

Chắc chắn hình ảnh đầy mạnh mẽ của Bát-tun-ga và những gì ông đã thể hiện sẽ đem lại "luồng gió mới" cho đất nước Mông Cổ trên chính trường thế giới.

HÙNG HÀ