Trong số báo ra ngày 28-1, tờ Pathet Lao (Đất nước Lào) nhận định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Tờ báo cho biết, tại đại hội lần này, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận và thông qua một loạt văn kiện để phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 |
Công nhân làm việc trong một nhà máy may ở Việt Nam. Ảnh: AFP |
Tờ Kommersant (Thương gia), một trong những tờ báo in uy tín nhất ở Nga mới đây cũng có bài viết về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo bài viết, tại đại hội này, các đại biểu sẽ hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển đất nước trong những năm tới và bầu ban lãnh đạo mới. Trong dự thảo các văn kiện của đại hội có lưu ý đến mốc thời gian năm 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển sang trạng thái phát triển năng động, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trên mức trung bình của thế giới. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam đạt được các chỉ số của một quốc gia phát triển với thu nhập cao. “Việt Nam đang triển khai những tư tưởng kinh điển của Chủ nghĩa Marx kết hợp với đặc điểm dân tộc, đồng thời đang nỗ lực khẳng định tính hiệu quả của mô hình phát triển với mục tiêu là tạo ra một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc vào giữa thế kỷ 21. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở châu Á. Đồng thời, nhờ những cải cách kinh tế được thực hiện trong nước, mô hình Việt Nam đã cho thấy hiệu quả và đang trên đường đa dạng hóa cũng như chinh phục thị trường nước ngoài”, tờ Kommersant nhận định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia thành công nhất về kinh tế ở châu Á. Báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức dẫn các số liệu của Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,91% trong năm 2020. Việt Nam kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7% từ nay đến năm 2025 và trong 25 năm tới sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng.
Cũng theo nguồn tin trên, trong những năm qua, Việt Nam đã tự xác lập như một bộ phận cấu thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, nhưng ngày nay là điện thoại thông minh và máy vi tính. Việt Nam coi toàn cầu hóa như một cơ hội, đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), là một trong những quốc gia sáng lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm qua và hiện đang phục hồi với tốc độ tốt khi đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020”, Báo Die Welt (Thế giới) của Đức nhấn mạnh. Tờ báo này dự báo, Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành “tâm điểm mới” về bùng nổ kinh tế ở châu Á và điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư cổ phần.
BÌNH NGUYÊN