Bà Gabbard, 43 tuổi, sinh ra trên lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, lớn lên ở Hawaii. Từng là đảng viên Đảng Dân chủ, bà Gabbard “đổi phe” ủng hộ Đảng Cộng hòa và ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Bà Gabbard là minh chứng cho điều mà Tổng thống đắc cử Donald Trump thường gọi là “sức hấp dẫn” của ông trên chính trường. Bà được ông Donald Trump tin tưởng chọn làm lãnh đạo tình báo quốc gia để giúp ông cải cách lĩnh vực này. Ngày 12-2-2025, Thượng viện Mỹ xác nhận bà Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, lãnh đạo 18 cơ quan và đóng vai trò là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump về các vấn đề tình báo.

 Ảnh minh họa: GETTY

Gần 3 tháng ngồi trên “ghế nóng”, bà Gabbard hiện đang là tâm điểm chú ý của các nhà báo chuyên về an ninh mạng sau khi tài khoản email được “bảo mật” của các bộ trưởng, nhân viên các bộ cũng như của bà Gabbard bị tin tặc tấn công. Theo tạp chí công nghệ Wired của Mỹ, District4Labs và Constella Intelligence-các trang web chuyên về OSINT (nghiên cứu về nguồn mở) và tình báo-đã thu thập tất cả dữ liệu có sẵn trên mạng liên quan tới bà Gabbard. Dựa trên cơ sở dữ liệu từ các tài liệu bị rò rỉ trực tuyến, cơ quan chức năng nhận thấy, bà Gabbard đã sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều địa chỉ email và tài khoản trực tuyến, bao gồm trang web cá nhân, Gmail, Dropbox, LinkedIn, MyFitnessPal và các trang web mua sắm trong suốt thời gian từ năm 2013 đến 2021. Đây là giai đoạn bà lần lượt làm việc tại Ủy ban Quân vụ, Tiểu ban “Tình báo và Hoạt động đặc biệt” thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Theo các phương tiện truyền thông, các cơ quan này là nơi bà Gabbard có thể tiếp cận những thông tin nhạy cảm.

Tạp chí Wired cho biết, mật khẩu được bà Gabbard sử dụng là “shraddha”, một từ tiếng Phạn có liên quan đến văn hóa Hindu, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal cho biết thêm, bà Gabbard lớn lên trong tổ chức Khoa học về bản sắc, một nhánh của phong trào Hindu Hare Khrishna. “Shraddha” có lẽ bắt nguồn từ “Shraddha Dasi”, cái tên mà bà nhận được khi gia nhập tổ chức này.

Việc sử dụng một mật khẩu yếu, có ít ký tự trong thời gian dài có thể cảm thông được đối với người ít hiểu biết về an ninh mạng. Nhưng bà Gabbard thì không nhận được sự đồng cảm đó. Nhiều người bày tỏ bất bình trước việc người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ, nơi đòi hỏi chuyên môn về an ninh mạng, lại mắc phải những sai lầm về an ninh mạng. Họ cho rằng, bà Gabbard đã phát triển những thói quen xấu, nhất là khi bà ấy ở vị trí là người đứng đầu tất cả cơ quan tình báo Mỹ. “Khi tạo mật khẩu, đừng làm những gì mà Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard đã làm”, một người dùng mạng xã hội X viết.

Phản ứng trước những bất bình trên, bà Olivia Coleman, người phát ngôn của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khẳng định, “các vụ vi phạm dữ liệu mà báo chí đề cập đã xảy ra cách đây nhiều năm và mật khẩu đã thay đổi nhiều lần kể từ đó”.

Để tránh lặp lại sự bất cẩn của bà Gabbard, Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đưa ra một số nguyên tắc. Theo đó, người dùng không nên sử dụng một mật khẩu trên nhiều trang web, bởi lẽ tin tặc rất dễ tấn công, đặc biệt là email. Mật khẩu mạnh phải đủ dài, ít nhất là 18 ký tự, bao gồm số, chữ cái (chữ hoa và chữ thường) và cả ký tự đặc biệt (dấu gạch nối, dấu gạch ngang...).

Việc sử dụng ngày sinh, tên của chính mình hoặc nhãn hiệu xe ô tô hoàn toàn không được khuyến khích. Trên thực tế, đây chính là cánh cổng dẫn đến cái gọi là tấn công “kỹ thuật xã hội”. “Về cơ bản, chúng tôi càng biết nhiều về bạn thì việc tìm ra chìa khóa ảo cho mọi bí mật của bạn càng dễ dàng. Đây chính xác là những gì bà Gabbard đã làm khi sử dụng từ “shraddha” làm mật khẩu”, Tạp chí Wired nhấn mạnh.

Còn với bà Gabbard, nữ Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ giờ đây chắc chắn vui lòng thực hiện theo những nguyên tắc trên cùng với một mật khẩu đủ mạnh để tránh bị tin tặc tấn công và gây rắc rối cho chính mình.

LINH OANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.