Biến số

Đối với Ấn Độ-quốc gia nhập khẩu tới 88% nhu cầu dầu mỏ, giá năng lượng là một biến số có ảnh hưởng lớn đến giá tiêu dùng và sự ổn định kinh tế. Do phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu nên nền kinh tế nước này dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường quốc tế. Theo RT, khi giá dầu tăng 1USD, hóa đơn nhập khẩu dầu của Ấn Độ sẽ tăng thêm khoảng 1,5 tỷ USD, đồng nghĩa chi phí sản xuất và giá hàng hóa tăng, gây áp lực cho kiểm soát lạm phát.

Điểm yếu này cũng có thể tác động đến quỹ đạo tăng trưởng đầy tham vọng của Ấn Độ. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của quốc gia này sẽ tăng trưởng 6,7% trong các năm tài chính 2026-2027 và 2027-2028. Tuy nhiên, trong trường hợp giá dầu tăng cao, chính sách tài khóa đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát có thể bị vô hiệu hóa, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng. Ngoài ra, khủng hoảng giá dầu cũng có thể khiến đồng rupee mất giá và dòng ngoại tệ chảy ra khỏi Ấn Độ.

Nhà máy lọc dầu của Essar Oil tại Vadinar, bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ. Ảnh: Reuters 

Là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nhu cầu dầu thô của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay, vượt mức 1,7% của Trung Quốc. Với đà tăng hiện tại, Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ trong bức tranh năng lượng toàn cầu cũng làm gia tăng khả năng quốc gia này phải đối mặt với những thách thức từ sự biến động của thị trường “vàng đen”. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định, liên tục là một nhu cầu chiến lược.

Gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc

Để ứng phó với thị trường toàn cầu biến động, Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực ổn định dòng chảy dầu thông qua các hợp đồng cung cấp dài hạn và sử dụng đồng nội tệ để thanh toán. Có thể kể đến là thỏa thuận cung cấp dầu thô trong vòng 10 năm giữa Rosneft (Nga) với Reliance Industries (Ấn Độ), hay những giao dịch mua dầu thô từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần đây của công ty dầu khí Ấn Độ Indian Oil Corporation được thanh toán bằng đồng rupee thay vì USD. Những động thái này không chỉ tăng cường tự chủ kinh tế của Ấn Độ mà còn phản ánh nỗ lực hướng tới “phi USD hóa” trong lĩnh vực năng lượng.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tăng cường đầu tư cho logistics, xây dựng hạ tầng cảng biển, kho vận... kết nối với các mạng lưới thương mại toàn cầu lớn, đa dạng hóa các tuyến vận chuyển năng lượng để chống lại nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đồng thời tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế để tự bảo vệ trước những cú sốc của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Hiện Ấn Độ đang phát triển nguồn năng lượng sinh học giá cả phải chăng. Trọng tâm của chiến lược này là chương trình pha trộn ethanol vào nhiên liệu hóa thạch. Tính đến tháng 1 năm nay, Ấn Độ đã đạt tỷ lệ pha trộn 19,6% ethanol vào xăng và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 20% vào năm tài chính 2025-2026. Bước tiến này không chỉ giúp Ấn Độ giảm chi phí nhập khẩu dầu thô gần 4 tỷ USD mỗi năm mà còn cắt giảm đáng kể lượng khí thải phát ra, mở ra cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, giai đoạn 2023-2024, Ấn Độ đã phân bổ hơn 50 tỷ rupee để bổ sung kho dự trữ dầu mỏ chiến lược-một biện pháp phòng ngừa trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào. Trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động khó lường, chiến lược của Ấn Độ không chỉ là ổn định nguồn cung dầu thô mà là xây dựng một danh mục năng lượng đa dạng, linh hoạt và bền vững. Chiến lược này không chỉ nhằm giảm ô nhiễm mà còn giúp củng cố an ninh năng lượng dài hạn, đồng thời giữ vững tính tự chủ chiến lược của Ấn Độ.

GIA HUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.