Ngày 2-2, Reuters dẫn một số nguồn đáng tin cậy cho hay, Saudi Arabia sẵn sàng chấp nhận cam kết chính trị từ Israel về giải pháp hai nhà nước như một điều kiện để nối lại bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv, đổi lấy việc ký kết hiệp ước an ninh với Washington mà Riyadh hy vọng sẽ hoàn tất trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm nay. Nỗ lực ngoại giao kéo dài nhiều tháng do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel đã bị Riyadh gác lại hồi tháng 10 năm ngoái, trước cơn thịnh nộ của thế giới Arab đối với cuộc chiến ở dải Gaza.

Theo các nguồn thạo tin, Saudi Arabia đang ngày càng quan tâm đến việc tăng cường năng lực quốc phòng, tránh mối đe dọa từ đối thủ tiềm tàng để có thể thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhằm chuyển đổi nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Một hiệp ước với Washington-nếu được ký kết-sẽ trao cho quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới sự bảo đảm an ninh của Mỹ, đổi lấy việc Riyadh bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv, giúp định hình lại Trung Đông, mặt khác, thắt chặt mối quan hệ ràng buộc giữa Riyadh với Washington trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng gia tăng.

leftcenterrightdel
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud và Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9-9-2023. Ảnh: AP 

“Một mũi tên trúng nhiều đích”, sự kiện bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia cũng sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Israel trước đối thủ Iran và mang lại cho Tổng thống Mỹ Joe Biden một chiến thắng ngoại giao đủ để ghi dấu ấn ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây.

Chưa rõ hiệp ước an ninh với Washington của Riyadh liệu có sớm được hoàn tất, khi mà nó còn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đến nay, chưa bên nào đủ khả năng ấn định một kết thúc cho cuộc xung đột ở dải Gaza. Các quan chức Saudi Arabia đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng Riyadh không yêu cầu Israel thực hiện các bước đi cụ thể để thành lập một nhà nước Palestine, thay vào đó, Riyadh muốn Israel đưa ra cam kết sẵn sàng chấp nhận giải pháp hai nhà nước. Saudi Arabia cũng kêu gọi Mỹ gây sức ép buộc Israel chấm dứt các cuộc tấn công quân sự ở dải Gaza. Ngay khi đó, Riyadh sẽ bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv và hỗ trợ tái thiết dải Gaza.

Dĩ nhiên, bình thường hóa quan hệ với quốc gia đứng đầu thế giới Arab cũng sẽ là thành công ngoại giao lớn nhất của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Đối với người Palestine, sự kiện này giúp hồi sinh khát vọng thành lập một nhà nước Palestine độc lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của thế giới Arab.

Song hiện tại, trở ngại lớn nhất nằm ở chỗ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu-người dành phần lớn sự nghiệp chính trị của mình để phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, như bình luận của Reuters-đã bác bỏ thẳng thừng mọi nguyện vọng của Mỹ và các nước Arab về một nhà nước Palestine sau khi xung đột ở dải Gaza kết thúc. Trong một phát biểu hồi tháng trước, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel phải có quyền kiểm soát an ninh đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây sông Jordan, bất chấp thỏa thuận nào được ký kết trong tương lai gần.

Các nỗ lực ngoại giao của Riyadh được tích cực thúc đẩy với kỳ vọng hiệp ước an ninh với Mỹ được ký kết trong khi Đảng Dân chủ vẫn đang nắm quyền điều hành Nhà Trắng và kiểm soát Thượng viện, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng về tầm ảnh hưởng của Iran đối với một số tổ chức tại Iraq, Yemen, Lebanon, Syria và dải Gaza.

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng Thủ tướng Netanyahu sẵn sàng duy trì triển vọng bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia, song ông Netanyahu không có dấu hiệu nhượng bộ việc thành lập một nhà nước Palestine, bởi lẽ điều đó có thể gây bất lợi cho liên minh cực hữu của đương kim Thủ tướng Israel.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.