Trở về nước sau 5 năm ở Mỹ, Giáo sư ngành công nghệ sinh học Rana Dajani nhận thấy rằng, trẻ em Jordan hiếm khi đọc sách để giải trí. “Tôi nhận thấy trẻ em chỉ đọc sách khi đi học. Tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và thấy rằng cách tốt nhất là nhờ người lớn đọc truyện cho chúng nghe”, bà Dajani nói.

Điều này thôi thúc bà Dajani khởi động sáng kiến “We love reading” năm 2006. Trong một nhà thờ Hồi giáo ở Amman, mỗi tuần một lần, bà Dajani lại tới đây đọc truyện cho một nhóm trẻ em nghe. Vào ngày đầu tiên, chỉ có 25 em đến đây. Dần dần, sáng kiến này thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều bạn trẻ tình nguyện đọc sách cho trẻ em, cho đến nay đã có tới 4.000 tình nguyện viên trên khắp đất nước Jordan.

leftcenterrightdel
Trẻ em Jordan thích thú khi được nghe đọc truyện. Ảnh: AFP 

Mỗi tình nguyện viên được gọi là safir-đại sứ theo cách gọi bằng tiếng Arab. Các safir đọc truyện cho trẻ em ở bất cứ đâu chúng muốn, trong nhà thờ Hồi giáo, trường học hoặc nhà trẻ. Điều quan trọng là không được đọc trên các phương tiện điện tử, thứ phải “tránh xa, nếu không sẽ thua trận”. “Chúng tôi muốn những cuốn sách giấy thực sự. Nhờ đọc sách mà khả năng suy nghĩ thay đổi, trí não và sức khỏe tâm lý của trẻ phát triển”, bà Dajani nhấn mạnh. Hiện “We love reading” đã sản xuất 33 đầu sách dành cho trẻ em về các chủ đề từ môi trường, người tị nạn đến giao tiếp xã hội và khoa học. Không chỉ phát triển mạnh ở Jordan, sáng kiến “We love reading” còn được mở rộng ở 65 nước trên thế giới.

Huda Abu al-Khair, một tình nguyện viên ở Jordan, chia sẻ rằng, cô  thích ý tưởng của “We love reading” nhằm phát triển ngôn ngữ, ý tưởng và kiến thức ở trẻ em. “Đó là lý do tại sao tôi đọc sách cho trẻ em ở trường mẫu giáo, trong các chuyến dã ngoại của trường, ở công viên và tại các buổi họp mặt gia đình, bất cứ khi nào tôi có cơ hội”, Khair nói thêm.

Trong một trường tư thục ở thủ đô Amman, cô tập hợp xung quanh mình một nhóm khoảng 20 em nhỏ từ 4 đến 5 tuổi. “Ai nóng lòng muốn nghe câu chuyện?”-cô hỏi. “Em ạ”-nhóm trẻ đồng thanh trả lời... Khair mở sách và bắt đầu đọc: “Tôi tên là Dina và đây là em trai tôi, Hani. Chúng tôi là anh em sinh đôi. Tôi sinh trước anh ấy vài phút, nhưng chúng tôi trông giống nhau, cả hai chúng tôi đều yêu chim én và chim ruồi”. Câu chuyện của Khair đi kèm với tiếng chim hót líu lo phát ra từ máy ghi âm. “Giáo dục trẻ khi còn nhỏ giống như khắc trên đá. Nó tồn tại suốt đời”, tình nguyện viên Khair nói.

NGỌC MINH