Theo CNN, ngày 6-4, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mexico cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) để tố cáo việc lực lượng an ninh Ecuador tấn công Đại sứ quán Mexico tại Quito để thực hiện việc bắt giữ cựu Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas. Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết, các nhân viên ngoại giao của Mexico tại Ecuador sẽ rời khỏi nước này, đồng thời yêu cầu Chính phủ Ecuador thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên ngoại giao trong quá trình di chuyển.

Trước đó, Mexico đã thông báo đình chỉ quan hệ ngoại giao với Ecuador do hành động của lực lượng an ninh Ecuador vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador mô tả lực lượng an ninh Ecuador xông vào tòa nhà Đại sứ quán “một cách thô bạo” để bắt giữ cựu Phó tổng thống Ecuador Glas, đồng thời gọi hành động này là “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico”. Công ước Vienna quy định rằng một quốc gia không được phép xâm phạm các đại sứ quán nằm trên lãnh thổ của mình.

leftcenterrightdel

 Lực lượng an ninh Ecuador tập trung trước Đại sứ quán Mexico ở Quito hôm 5-4. Ảnh: AP

Tối muộn ngày 5-4 theo giờ địa phương, lực lượng an ninh Ecuador đã tấn công vào Đại sứ quán Mexico tại Quito, khống chế toàn bộ nhân sự thuộc phái đoàn ngoại giao Mexico và bắt giữ ông Glas, người đã trú ẩn trong Đại sứ quán này từ tháng 12-2023. Vài giờ trước khi vụ tấn công diễn ra, ông Glas đã được Chính phủ Mexico chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị. Hiện ông Glas đã được đưa đến một nhà tù có mức độ an ninh cao nhất ở Ecuador.

 Ông Glas là Phó tổng thống Ecuador nhiệm kỳ 2013-2018, bị kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì cáo buộc nhận hối lộ và liên quan đến vụ án tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil) - vụ hối lộ lớn mà nhiều quan chức tại nhiều quốc gia Mỹ Latin dính líu. Ông Glas mới hoàn thành 5 năm tù, được trả tự do vào năm 2022 và sau đó nhận lệnh bắt giữ lại hồi tháng 12 năm ngoái. Việc Mexico chấp nhận yêu cầu tị nạn của ông Glas đã khiến Ecuador tức giận.

Tổng thống Ecuador Daniel Noboa nhấn mạnh việc tị nạn chính trị của ông Glas là “trái với khuôn khổ pháp lý”. Trong khi đó, phía Mexico cho hay nước này đã cấp quyền tị nạn chính trị cho ông Glas sau khi phân tích kỹ lưỡng tình hình.

Sau Mexico, Nicaragua đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador vì vụ việc. Chính phủ Nicaragua nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ, dứt khoát và không thể thay đổi” đối với cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mexico ở Quito. Nhiều nước khác trong khu vực Mỹ Latin cũng đồng loạt lên án hành động của lực lượng an ninh Ecuador. Theo Reuters, Chính phủ Brazil lên án hành động này là “vi phạm rõ ràng” các quy tắc quốc tế cấm đột kích vào đại sứ quán nước ngoài.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brazil nhấn mạnh hành động của lực lượng an ninh Ecuador “phải bị bác bỏ mạnh mẽ, bất chấp mọi lời biện minh”. Ngoài Brazil, Cuba, Argentina, Chile, Colombia, Peru, Venezuela... cũng lên án cuộc tấn công.

 Cũng trong ngày 6-4, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã đưa ra lời kêu gọi đối thoại để giải quyết căng thẳng leo thang giữa Ecuador và Mexico, đồng thời đưa ra tuyên bố rằng một phiên họp của hội đồng thường trực của tổ chức này sẽ được triệu tập để thảo luận về sự cần thiết phải “tuân thủ nghiêm ngặt các công ước quốc tế, bao gồm cả những điều khoản đảm bảo quyền tị nạn”.

Trong một tuyên bố, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, ông Guterres đã nhấn mạnh việc duy trì quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở ngoại giao là rất quan trọng và điều này phải được tôn trọng trong mọi trường hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc vi phạm nguyên tắc này sẽ gây nguy hiểm cho việc theo đuổi quan hệ quốc tế bình thường vốn rất quan trọng cho sự thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi cả Ecuador và Mexico thể hiện sự “ôn hòa” và giải quyết những khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.