Hiện còn khá nhiều người vẫn cảm thấy xa lạ khi một ai đó nhắc tới podcast. Điều này hoàn toàn đúng bởi thuật ngữ này mới chỉ xuất hiện từ chưa đầy hai thập kỷ trước. Theo BBC, vào một buổi tối đầu tháng 2-2004, trong lúc đang viết bài về phát thanh trực tuyến cho tờ The Guardian, nhà báo Ben Hammersley đã đưa ra từ podcast một cách rất bột phát. Sau này, ông chia sẻ, nó được ghép giữa iPod (máy nghe nhạc của Apple) và broadcast (phát sóng). Một năm sau, thuật ngữ podcast có mặt trong Từ điển Oxford với định nghĩa là “một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo”. Podcast có thể không được sinh ra vào buổi tối hôm đó, nhưng hiện tượng công nghệ mới đã có một cái tên chính thức.      

leftcenterrightdel
Chương trình podcast “Serial” được nghe thông qua nền tảng Apple Podcasts. Ảnh: Airtable 

Có lẽ lúc đặt tên này, nhà báo Ben Hammersley cũng không nghĩ rằng podcast lại nhanh chóng bùng nổ như vậy. Nhìn lại những thay đổi thị trường, ông cho rằng có hai nhân tố chính giúp podcast dần trở nên quen thuộc trong thế giới hiện đại, đó là công nghệ kỹ thuật và văn hóa nghe nhìn. Trước hết, sự phủ sóng của các thiết bị kỹ thuật số, thiết bị di động thông minh cùng sự phát triển vũ bão của công nghệ mạng 4G và wifi cho phép người nghe dễ dàng tìm kiếm, tải xuống hoặc truyền phát podcast mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, người nghe cũng dần quen thuộc với podcast và coi đó là một kênh thông tin hữu ích. Thí dụ, theo Business Insider, chương trình podcast mang tên “Serial”, một tác phẩm báo chí điều tra do nhà báo Sarah Koenig dẫn, do Công ty Serial Production (Mỹ) sản xuất và phát sóng từ năm 2014 đã thu hút một lượng lớn khán giả. Đến nay, mùa đầu tiên và thứ hai của “Serial” đã có hơn 340 triệu lượt tải xuống.  

Các nền tảng podcast quen thuộc hiện nay bao gồm Apple Podcasts, Google Podcasts, Spotify, Stitcher và SoundCloud. Ngay cả YouTube, trang chia sẻ video lớn nhất thế giới, cũng có cung cấp podcast. Nhận thấy triển vọng lớn của podcast, các tòa soạn và tập đoàn truyền thông lớn trong ngành công nghiệp báo chí thế giới như: The New York Times, The Washington Post, CNN, BBC, Reuters hay Bloomberg... cũng sớm đưa chuyên mục này đến với bạn đọc trực tuyến. Mỗi nền tảng là một thư viện các chương trình podcast, mỗi chương trình có nhiều tập, được cập nhật thường xuyên để người dùng nghe trực tuyến hoặc tải về nghe dần. 

Thực tế, podcast đã trở thành một loại hình báo chí mới. Một số người đã gọi nó là phương tiện hội tụ của âm thanh, internet và thiết bị di động. Tương tự như phát thanh truyền thống, podcast cũng tạo ra nội dung bằng âm thanh. Tuy nhiên, chương trình phát thanh (bao gồm trực tiếp, thu âm trước hoặc kết hợp cả hai) sẽ phát liên tục còn podcast được biên tập ngắn gọn, theo từng chủ đề riêng để phục vụ nhu cầu của từng đối tượng. Thế mạnh của podcast so với phát thanh là khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu cũng như tua lại những đoạn thông tin mà người dùng muốn nghe. Ngoài ra, việc “phổ cập” điện thoại thông minh, tai nghe không dây, loa thông minh, hỗ trợ Apple Carplay và Android Auto trên ô tô chính là các công cụ tạo thuận lợi cho podcast “cất cánh”. Hai nhà báo Piet van Niekerk và Pierre de Villiers đến từ Mạng lưới truyền thông toàn cầu FIPP cho biết, cứ mỗi ba phút lại xuất hiện thêm một podcast mới. Riêng nền tảng Apple Podcasts đã có trên 900.000 podcast cho độc giả lựa chọn, theo Podcast Insights. 

Năm 2020 được cho là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của podcast. Theo báo cáo xu hướng podcast hằng năm của Discover Pods, có hơn 82% người dùng thường nghe podcast trên 7 giờ mỗi tuần, 33% người dùng nghe podcast trên thiết bị thông minh hay 59% người dùng dành thời gian nghe podcast nhiều hơn là truy cập vào mạng xã hội. Podcast Insights thống kê tại Mỹ có khoảng 68 triệu người thường xuyên nghe podcast vài lần trong tuần và 155 triệu người từng nghe ít nhất một podcast. Trong khi đó ở Anh, 12,5% dân số nghe podcast hằng tuần, tăng 58% trong hai năm 2018 và 2019. Những người hâm mộ podcast ở Anh hiện đang nghe trung bình 7 podcast mỗi tuần. Trong khi đó, Tập đoàn kiểm toán và tư vấn đa quốc gia Deloitte có trụ sở tại London (Anh) ước tính, doanh thu từ podcast toàn cầu có thể đạt trên 1 tỷ USD trong năm vừa qua, tăng 30% so với năm 2019, và sẽ vào khoảng 3,3 tỷ USD vào năm 2025. Các tên tuổi lớn về podcast như Apple, Google và Spotify đều có các chiến lược tăng cường lĩnh vực này. 

Có thể nói, podcast đang là một lĩnh vực tiềm năng mới trong ngành công nghiệp báo chí hiện đại. Nếu không muốn đứng ngoài “cuộc chơi”, các cơ quan báo chí cần đầu tư, phát triển nghiêm túc hình thức này.

VĂN HIẾU